Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu. Ngày 24/12, Pháp ghi nhận số ca mắc mới theo ngày ở mức cao nhất từ khi dịch bùng phát, với 94.124 trường hợp. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Pháp ghi nhận con số cao kỷ lục.
Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc tại Pháp sẽ tiếp tục gia tăng trong bối cảnh các gia đình tụ họp dịp lễ cuối năm và sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron của virus SARS-CoV-2. Hiện Pháp có khoảng 16.173 người đang điều trị COVID-19 tại bệnh viện, trong khi khoảng 122.462 người đã qua đời do đại dịch.
Khoảng 76,5% dân số Pháp đã được tiêm hai liều vắc xin ngừa COVID-19 và gần 21 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Bộ Y tế Pháp khuyến cáo những người trưởng thành ở quốc gia 67,4 triệu dân này cần tiêm tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 ở thời điểm 3 tháng sau khi hoàn tất phác đồ tiêm chủng thông thường.
Vương quốc Anh cùng ngày cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch, với 122.186 ca trong 24 giờ qua, nhiều hơn hơn 2.000 ca so với con số ghi nhận một ngày trước đó.
Vương quốc Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, với số ca tử vong do bệnh dịch này đã lên tới 147.857 người.
Số ca mắc mới trong 7 ngày qua tại Anh tăng 48% so với một tuần trước đó, trong khi số người nhập viện và tử vong tăng ít hơn.
Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) ngày 23/12 cho biết những số liệu ghi nhận cho đến nay cho thấy nguy cơ nhập viện ở những người nhiễm biến thể Omicron ít hơn 70% so với các trường hợp nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, theo cơ quan này, đây chỉ là kết luận sơ bộ vì mới chỉ căn cứ một số ít các trường hợp nhập viện.
Trong khi đó, cũng theo một báo cáo được UKHSA công bố ngày 23/12 cho thấy hiệu quả của mũi vắc xin tăng cường trong việc ngăn ngừa biến thể Omicron bị suy giảm trong vòng 10 tuần sau tiêm.
Báo cáo đã nghiên cứu 147.597 ca nhiễm biến thể Delta và 68.489 ca nhiễm biến thể Omicron, được ghi nhận từ ngày 27/11 đến 17/12.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích tỉ lệ hiệu quả của vắc xin giữa các ca nhiễm hai biến thể trên trong số những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin của AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna. Sau đó, họ so sánh hiệu quả của vắc xin giữa những người nhiễm Omicron và Delta mà trước đó đã được tiêm mũi vắc xin tăng cường của Pfizer hoặc Moderna.
Kết quả cho thấy trong tất cả trường hợp, các loại vắc xin đều kém hiệu quả hơn và suy yếu nhanh trước biến thể Omicron so với Delta. Hiệu quả mũi vắc xin tăng cường của cả Moderna và Pfizer cũng giảm trong vòng vài tuần sau tiêm.
Cụ thể, ở những người đã tiêm 2 mũi vắc xin của AstraZeneca và 1 mũi vắc xin tăng cường của Pfizer hoặc Moderna, hiệu quả ngăn ngừa bệnh có triệu chứng là 60% trong 2-4 tuần sau khi tiêm.
Tuy nhiên, sau 10 tuần, hiệu quả ở người tiêm mũi vắc xin tăng cường của Pfizer chỉ còn 35%, trong khi tỉ lệ này ở người tiêm mũi vắc xin tăng cường của Moderna là 45% sau cùng khoảng thời gian. Những tỉ lệ này kém xa so với hiệu quả của vắc xin trước biến thể Delta.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng so sánh hiệu quả mũi vắc xin tăng cường của Pfizer và Moderna đối với những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin của Pfizer. Đối với những người tiêm 3 mũi của Pfizer, hiệu quả của vắc xin giảm từ 70% trong tuần đầu tiên xuống còn 45% sau 10 tuần.
Trong khi đó, những người tiêm 2 mũi vắc xin của Pfizer và mũi tăng cường của Moderna dường như nhận được khả năng bảo vệ tốt hơn, với hiệu quả vẫn giữ được 75% trong 9 tuần.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng các phát hiện mới trên nên được diễn giải một cách thận trọng bởi vẫn chưa có nhiều trường hợp nhiễm Omicron, và những người đã mắc phải biến thể này không đại diện cho các nhóm dân số rộng hơn. Ngoài ra, vẫn chưa có đủ số ca bệnh nặng do nhiễm Omicron để phân tích hiệu quả ngăn ngừa nguy cơ nhập viện của vắc xin.
Trước đó, hồi đầu tháng 12, Giám đốc điều hành của Pfizer đã để ngỏ khả năng người dân sẽ cần tiêm mũi vắc xin thứ 4 trong bối cảnh biến thể Omicron vẫn đang lây lan mạnh.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)