Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ 00 sáng 25/12 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 279.345.816 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19, trong đó có hơn 5,4 triệu ca tử vong.
Số ca bình phục là 249.652.717 ca. Hiện còn hơn 24,2 triệu người đang điều trị, trong đó 88.792 ca nguy kịch.
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là những nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất. Mỹ ghi nhận tổng cộng hơn 52,9 triệu ca nhiễm và 837.671 ca tử vong. Brazil có số ca tử vong nhiều thứ hai, với 618.429 ca, trong khi Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm, với hơn 34,7 triệu ca.
Tiếp theo trong danh sách các nước bị ảnh hưởng nặng nề là những nước ở châu Âu, trong đó Anh ghi nhận hơn 11,8 triệu ca nhiễm, Nga hơn 10,3 triệu ca, Thổ Nhĩ Kỳ hơn 9,2 triệu ca, Pháp hơn 8,9 triệu ca và Đức với hơn 6,9 triệu ca nhiễm.
Anh ngày 24/12 ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất kết từ khi dịch bùng phát, với 122.186 ca. Đến nay Anh đã ghi nhận tổng cộng 147.857 ca tử vong do COVID-19. Số ca nhiễm tại nước này trong 7 ngày qua tăng 48% so với tuần trước.
Pháp cùng ngày cũng ghi nhận ngày có nhiều ca nhiễm mới nhất từ khi dịch bùng phát, với 94.124 ca. Đây là ngày thứ hai liên tiếp Pháp ghi nhận con số cao kỷ lục.
Con số này được cho là sẽ tiếp tục tăng cao do biến thể siêu lây nhiễm Omicron và mùa nghỉ lễ Giáng Sinh, khi các gia đình có truyền thống tụ họp. Đến nay Pháp đã ghi nhận 122.462 ca tử vong do COVID-19.
Ý cũng ghi nhận ngày thứ hai có số ca nhiễm mới cao kỷ lục, với 50.599 ca. Bộ Y tế Ý đã cho phép từ ngày 27/12 tiêm mũi vắc xin tăng cường đối với những người 16-17 tuổi và trẻ vị thành niên có thể trạng yếu, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Hiện tại nước này chỉ cho phép tiêm mũi tăng cường đối với những người trên 18 tuổi.
Tại châu Mỹ, Chile thông báo sẽ tiêm mũi vắc xin thứ tư cho toàn dân từ tháng 2/2022, bắt đầu với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền.
Tổng thống Sebastian Pinera cho biết nước này đã có đủ số liều vắc xin cần thiết. Hiện hơn 86% dân số nước này đã tiêm đủ hai mũi vắc xin.
Từ ngày 31/12, Mỹ sẽ chính thức dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với 8 quốc gia khu vực miền Nam châu Phi được áp đặt tháng trước do lo ngại biến thể Omicron.
Quyết định này được đưa ra theo đề xuất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ sau khi có bằng chứng về việc các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện tại có tác dụng bảo vệ trước biến thể Omicron, đặc biệt là khi tiêm liều tăng cường.
Tại Đông Nam Á, Indonesia đã ghi nhận hơn 4,2 triệu ca nhiễm, nhiều nhất trong khu vực. Tiếp theo là Philippines, Malaysia và Thái Lan đều ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm.
Theo TTXVN/Vietnam+