Trong một nghiên cứu mới công bố trên bioRxiv, nhóm nghiên cứu từ Mỹ và Trung Quốc cho biết biến thể Omicron làm giảm hiệu quả của các loại vắc xin được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay, cũng như các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng thể đơn dòng (mAbs).
Các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu huyết thanh của người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 trong mùa Xuân năm 2020 và của người đã được tiêm các loại vắc xin của Pfizer, Moderna, Johnson&Johnson hoặc của AstraZeneca để thử nghiệm hoạt động sinh kháng thể của các mẫu này khi gặp các virus giả của biến thể B.1.1.529 (Omicron) và chủng gốc SARS-CoV-2.
Bên cạnh 37 đột biến ở protein gai đã được ghi nhận đối với biến thể Omicron, khoảng 10% mẫu gene của biến thể này trong cơ sở dữ liệu GISAID có chứa đột biến R346K, vốn được tìm thấy trong biến thể Mu (B.1.621). Phát hiện này khiến các nhà khoa học tiến hành thử nghiệm thêm virus giả với đột biến này.
Nghiên cứu đã phát hiện rằng hoạt động sinh kháng thể của các mẫu huyết thanh từ người từng nhiễm và người đã tiêm phòng rất thấp khi gặp phải biến thể Omicron. Đối với những người đã tiêm vắc xin công nghệ mRNA, hoạt động sinh kháng thể ở người tiêm vắc xin của Pfizer giảm 21 lần, của Moderna là 8,6 lần.
Huyết thanh của những người đã tiêm vắc xin của Johnson&Johnson và AstraZeneca sinh lượng kháng thể thấp hơn mức giới hạn phát hiện (LOD). Hơn nữa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện 4 đột biến S371L, N440K, G446S và Q493R trong protein gai của Omicron, giúp biến thể này tăng khả năng chống kháng thể ở vật chủ. Đột biến Q493R cung cấp khả năng kháng cự lại các thuốc kháng thể đơn dòng RBD loại 1 và 2, trong khi các đột biến N440K và G446S giúp Omicron kháng lại thuốc mAbs loại 3. Đáng chú ý, đột biến S371L giúp Omicron kháng lại tất cả 4 loại mAbs hiện nay. Đây được cho là yếu tố quyết định “sức mạnh” của Omicron.
Các phát hiện trong nghiên cứu trên chứng tỏ các loại vắc xin được sử dụng rộng rãi hiện nay giảm sút hiệu quả khi đối đầu với biến thể Omicron, làm dấy lên lo ngại nguy cơ nhiễm sau tiêm và tỷ lệ tái nhiễm gia tăng với Omicron. Bên cạnh đó, do đột biến R346K của biến thể Omicron, giới khoa học cũng cần phải xem xét lại các liệu trình điều trị hiện nay.
Nghiên cứu trên cũng xem xét mẫu huyết thanh của những người đã tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin mRNA và thấy rằng ngay cả mũi tiêm thứ ba cũng không giúp sinh đủ kháng thể đủ để vô hiệu hóa Omicron.
Omicron đang đặt ra nhiều mối đe dọa đối với hệ thống chăm sóc y tế toàn cầu, đòi hỏi phải có các chiến lược mới để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự xuất hiện của các biến thể mới có thể nguy hiểm hơn đòi hỏi thế giới cần tăng cường nghiên cứu để phát hiện và dự báo khả năng tiến hóa của virus.
Trong diễn biến khác, ngày 21/12, Giám đốc điều hành hãng dược phẩm Moderna của Mỹ, ông Stephane Bancel, cho biết hãng có thể xúc tiến phát triển một loại vắc xin đặc hiệu chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong vài tuần tới.
Trả lời phỏng vấn, ông Bancel cho hay việc phát triển vắc xin đặc hiệu chống biến thể Omicron chỉ cần một số điều chỉnh nhỏ so với vắc xin mRNA-1273 đang lưu hành hiện nay của hãng. Sau khi có thêm thông tin về biến thể Omicron, dự kiến trong 1-2 tuần tới, Moderna có thể bắt tay vào phát triển loại vắc xin đặc biệt này.
Cũng theo ông Bancel, hiện năng lực sản xuất của Moderna cao hơn rất nhiều so với một năm trước đó, cho phép hãng sản xuất 500 triệu liều vắc xin đặc hiệu sau vài tháng nếu được các cơ quan quản lý cấp phép.
Moderna có kế hoạch vào đầu năm 2022 bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin đặc hiệu chống biến thể Omicron. Hiện hãng mới đang tập trung nghiên cứu cập nhật loại vắc xin mRNA-1273 hiện có.
Trước đó, ngày 20/12, Moderna công bố kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho biết tiêm mũi tăng cường bằng vắc xin mRNA-1273 sẽ giúp bảo vệ khỏi biến thể Omicron, đồng thời khẳng định phiên bản vắc xin hiện nay sẽ tiếp tục là “phòng vệ tuyến đầu của Moderna chống Omicron”.
Giống như vắc xin ngừa COVID-19 của hãng BioNTech/Pfizer, vắc xin của Moderna là loại vắc xin bào chế theo công nghệ mRNA có khả năng thích ứng tương đối tốt với các biến thể mới.
Trong khi đó, trong chương trình phát thanh 3AW Breakfast của Úc, nhà dịch tễ học hàng đầu của Úc, ông Tony Blakely nhận định biến thể Omicron ít độc lực hơn (tức là ít khả năng gây bệnh nặng hơn) so với biến thể Delta.
Theo ông Blakely thuộc Đại học Melbourne, biến thể Omicron ít độc lực hơn từ 10-50% so với biến thể Delta. Ông nói: "Tôi cho rằng mức độ độc lực của biến thể Omicron hoàn toàn thấp”.
Chuyên gia này cũng cho biết đã tiến hành theo dõi mọi dữ liệu về biến thể này của các nước trên thế giới và phát hiện rằng không có sự gia tăng tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân mắc COVID-19 do biến thể Omicron ở Anh, Mỹ cũng như ở bang New South Wales của Úc. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng hiện vẫn còn khá sớm để khẳng định biến thể Omicron có độc lực vừa phải.
Theo chuyên gia Blakely, mức độ độc lực của biến thể Omicron ít hơn từ 10-50% so với biến thể Delta và mức độ này có thể giảm hơn nữa nhờ tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Về mức độ lây nhiễm của biến thể, nhà dịch tễ học hàng đầu Úc cho rằng Omicron có tốc độ lây lan nhanh, viện dẫn số ca nhiễm biến thể Omicron ở bang New South Wales và Victoria của Australai đã lên tới 10.000-15.000 ca/ngày. Tuy nhiên, ông cho rằng hệ thống y tế sẽ không phải "gồng mình" điều trị cho các bệnh nhân COVID-10 do biến thể Omicron như đối với bệnh nhân nhiễm biến thể Delta.
Ông khuyến cáo rằng người dân nên đeo khẩu trang trong những không gian kín.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)