Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến gần 9 giờ ngày 21/12 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 275.759.068 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.376.286 ca tử vong. Tổng số ca đã khỏi bệnh là 247.277.231 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 23.050.725 ca, trong đó có 88.675 trường hợp nguy kịch.
Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 828.348 ca tử vong trong tổng số 51.992.549 ca mắc. Đáng chú ý, chỉ trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tại nước này ở mức cao chưa từng có với 119.851 ca.
Xét trên bình diện toàn cầu, trong 24 giờ qua, đã có thêm 518.295 ca mắc mới COVID-19; 531.094 trường hợp khỏi bệnh và 4.762 ca tử vong. Châu Âu tiếp tục là tâm dịch với số ca mắc mới và số ca tử vong cao nhất thế giới, lần lượt là 282.768 ca và 3.007 ca.
Tại đây, tốc độ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Anh vẫn tăng cao chóng mặt với số ca mắc mới 91.743 ca. Trong khi đó, Nga ghi nhận số ca mới tử vong cao nhất thế giới với 1.019 ca.
Ngày 20/12, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố các bằng chứng thu thập được đến nay cho thấy biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vắc xin hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 vẫn có nhiều nguy cơ nhiễm hoặc tái nhiễm biến thể mới này.
Phát biểu họp báo với phóng viên tại trụ sở WHO ở Geneva, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Có bằng chứng nhất quán cho thấy biến thể Omicron lây nhanh hơn đáng kể so với biến thể Delta. Những người đã tiêm phòng vắc xin hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 nhiều khả năng nhiễm hoặc tái nhiễm”. Ngoài ra, người đứng đầu WHO cũng khẳng định năm 2022 phải là năm "chúng ta kết thúc đại dịch".
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng ngày, Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận chính trị về quy định cho phép kích hoạt các biện pháp ứng phó y tế khẩn cấp của Cơ quan Ứng phó và chuẩn bị khẩn cấp y tế châu Âu (HERA) trong các trường hợp khẩn về sức khỏe cộng đồng ở Liên minh châu Âu (EU).
Các biện pháp này bao gồm cung cấp và mua sắm nguyên liệu cũng như thực hiện các biện pháp đối phó y tế liên quan đến khủng hoảng, kích hoạt các cơ sở công nghiệp dành riêng để sản xuất vắc xin và phương pháp điều trị, thành lập ủy ban khủng hoảng y tế với các quốc gia thành viên và tạo ra các cơ chế giám sát nhanh chóng.
Trong khi đó, Hiệp hội Bệnh viện Đức (DKG) liên tục đưa ra cảnh báo về tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong nước do biến thể Omicron vẫn lây lan mạnh. Chủ tịch DKG Gerald Gaß cho rằng nếu nhận định của các nhà khoa học là chính xác về khả năng lây lan của Omicron và khả năng tự bảo vệ đối với biến chứng nặng ở những người chưa được tiêm mũi vắc xin tăng cường không quá cao, trong trường hợp xấu nhất, hệ thống bệnh viện của Đức sẽ phải ứng phó với số lượng lớn trường hợp biến chứng nặng cùng lúc.
Đây sẽ là tình huống hết sức nghiêm trọng, vượt xa mọi tình huống mà hệ thống y tế Đức phải đối mặt kể từ khi đại dịch bùng phát đến nay. Ông Gaß cho biết giới chuyên môn dự đoán làn sóng dịch thứ năm sẽ ập đến trước khi các giường chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện giảm tải được số ca biến chứng nặng hiện nay.
Trước nguy cơ trên, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và lãnh đạo các bang ngày 20/12 đã thống nhất dự thảo thỏa thuận, theo đó dự kiến áp đặt các biện pháp hạn chế mới từ ngày 28/12 tới. Quy định mới chỉ cho phép tối đa 10 người đã tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có mặt cùng lúc trong các hoạt động tập trung ở nơi công cộng, kể cả ngoài trời và không gian trong nhà.
Trẻ em từ 14 tuổi trở xuống được miễn quy định này. Trong khi đó, một hộ gia đình nếu có một người chưa tiêm phòng chỉ được gặp tối đa hai người từ một gia đình khác. Ngoài ra, chính quyền liên bang và các bang cũng dự kiến sẽ đóng cửa các câu lạc bộ và vũ trường. Các sự kiện văn hóa thể thao trong nhà và ngoài trời cũng sẽ bị giới hạn, với số lượng người được phép tham gia chỉ từ 30% đến 50% sức chứa.
Các bang có tỉ lệ lây nhiễm cao phải hủy bỏ các sự kiện lớn hoặc tổ chức mà không có khán giả. Các quy định 2G, tức là đã tiêm vắc xin hoặc đã phục hồi sau khi mắc COVID-19 vẫn có hiệu lực đối với việc ra vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, cửa hiệu không thiết yếu.
Tại Mỹ, thủ đô Washington D.C. ngày 20/12 đã ban bố tình trạng khẩn cấp, do số ca mắc mới tăng vọt. Thị trưởng Muriel Bowser cho biết với quyết định này, chính quyền thành phố sẽ có thêm công cụ để tiến hành mọi biện pháp cần thiết về mặt hành chính, như mua hàng hóa và dịch vụ. Bà Bowser cũng nhấn mạnh biện pháp đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm trong nhà sẽ có hiệu lực từ ngày 20/12 đến ngày 31/1/2022.
Ngoài ra, biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên chính quyền địa phương cũng sẽ được triển khai, gồm bắt buộc tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19, mở rộng xét nghiệm và các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố. Theo Giám đốc Sở Y tế Washington D.C. Anjali Talwalkar, hiện 97% bệnh nhân COVID-19 tại thành phố mắc biến thể Delta trong khi khoảng 3% nhiễm biến thể Omicron. Dự báo số ca mắc biến thể Omicron sẽ tăng vọt trong những tuần tới.
Ngày 20/12, Mỹ đã ghi nhận ca tử vong đầu tiên do nhiễm biến thể Omicron. Đó là một người đàn ông ngoài 50 tuổi, chưa tiêm phòng, sống tại hạt Harris, bang Texas. Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh giới chức y tế Mỹ cùng ngày cho biết biến thể siêu lây nhiễm Omicron hiện đã trở thành biến thể chủ đạo lây lan dịch COVID-19 tại Mỹ, nguyên nhân gây ra 73,2% số ca nhiễm mới trong tuần vừa qua.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), tỉ lệ trên cao hơn rất nhiều so với trong tuần trước đó, khi Omicron chỉ chiếm 12,6% số ca nhiễm mới tại Mỹ. Đáng chú ý là tại vùng Pacific Northwest và nhiều nơi ở miền Nam và Trung Tây, Omicron đã gây ra hơn 90% số ca nhiễm mới trong tuần qua.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng thống Joe Biden sẽ có bài phát biểu vào tối 21/12 nhằm thông báo cho người dân về kế hoạch đối phó với biến thể này. Nhà Trắng khẳng định đây không phải là bài phát biểu về việc đóng cửa các doanh nghiệp và đóng cửa nền kinh tế như năm ngoái bởi hiện nay Mỹ đã có sẵn vắc xin cho người dân.
Bài phát biểu của Tổng thống sẽ tập trung đưa ra lợi ích của việc tiêm chủng một cách trực tiếp và rõ ràng tới người dân Mỹ, các bước mà chính quyền Mỹ sẽ thực hiện để tăng cường sự tiếp cận và tăng cường xét nghiệm cũng như những rủi ro gây ra cho những người chưa được tiêm chủng.
Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo một nhân viên của Nhà Trắng, người đã dành khoảng 30 phút ở gần Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 17/12, đã xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tổng thống Biden đã tiến hành xét nghiệm PCR và có kết quả âm tính.
Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, CDC và Bộ Ngoại giao Mỹ khuyến cáo người dân không nên đến 8 quốc gia gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Tây Ban Nha, Phần Lan, CH Chad và Libăng. CDC Mỹ cũng cũng bổ sung Bonaire, Monaco, San Marino và Gibraltar vào danh sách các điểm đến "Cấp 4: Rất cao", tức là không nên đến. Hiện có 85 quốc gia ở cấp cao nhất, trong đó gần một nửa là các nước châu Âu.
Liên quan tới nỗ lực tiêm phòng COVID-19, tại Pháp, ngày 20/12, Tổ chức giám định y tế Haute Autorite de la Sante (HAS) đã cấp phép sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi.
Bác sĩ Lise Alter phụ trách đánh giá nguy cơ của vắc xin này dành cho trẻ em, khẳng định vắc xin của Pfizer/BioNTech đã cho thấy hiệu quả phòng bệnh cao ở nhóm trẻ em trong độ tuổi trên. HAS khuyến nghị tất cả các bậc phụ huynh đưa con em đi tiêm phòng nếu có nguyện vọng. Tại Pháp, thời gian đầu, việc tiêm phòng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi sẽ được thực hiện tại viện nhi, trước khi được triển khai đại trà tại các cơ sở y tế khác.
Trong diễn biến cùng ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan cũng đã phê duyệt việc sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Đây là loại vắc xin đầu tiên được Thái Lan cấp phép sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi này. Liều lượng vắc xin sử dụng cho trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ giảm xuống còn 10 microgam, tương đương 1/3 liều dùng cho những người trên 12 tuổi. Thời gian giữa hai mũi tiêm là 21 ngày.
Liên quan nỗ lực phòng dịch tại khu vực Đông Nam Á, ngày 20/12, Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời đưa Anh, Na Uy và Đan Mạch vào danh sách cấm nhập cảnh do lo ngại biến thể Omicron.
Như vậy, tổng cộng có 13 quốc gia bị ảnh hưởng của lệnh cấm nhập cảnh của Indonesia gồm Nam Phi, Bostwana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Angola và Zambia.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)