* Philippines tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường cho người có nguy cơ cao
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chín tháng sau “Sự cố cộng đồng 20/2”, dịch COVID-19 tại Campuchia đã được kiểm soát, Campuchia đang nỗ lực mở cửa trở lại hoàn toàn các lĩnh vực xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội các đại lý du lịch Campuchia, bà Chhay Sivlin cho rằng việc phục hồi sau “Sự cố cộng đồng 20/2” là một thách thức rất lớn, cần phải ghi nhớ và rút ra những bài học kinh nghiệm.
Bà Chhay Sivlin đánh giá: “Vắc xin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống dịch COVID-19, cho phép Campuchia có thể mở cửa trở lại. Chính phủ và người dân Campuchia đã phải nỗ lực rất lớn để đảm bảo sự thành công của chiến dịch tiêm chủng phòng COVID-19. Điều quan trọng, thành công này của Campuchia đã được quốc tế biết đến”.
Ngày 21/11, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Hok Kim Cheng cho biết Campuchia đã mở cửa trở lại hầu hết các lĩnh vực, học sinh được trở lại trường học. Du lịch sẽ là yếu tố quan trọng để giúp nền kinh tế Campuchia phục hồi. Tuy nhiên, Campuchia chưa thể nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Campuchia, TS Li Ailan đánh giá: “Campuchia không chỉ đạt được tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cao mà những đối tượng dễ bị tổn thương như nhân viên y tế, người cao tuổi, những người mắc bệnh mãn tính và phụ nữ mang thai cũng được ưu tiên tiêm chủng. Tuy nhiên, WHO nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc”.
Hãng Thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 21/11 đưa tin Bộ trưởng Bộ Du lịch nước này, ông Thong Khon cho biết, trên cơ sở kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong ba ngày Lễ hội Nước từ 18-20/11, Campuchia sẵn sàng đón du khách quốc tế đã tiêm vắc xin đầy đủ phòng COVID-19.
Bộ trưởng Thong Khon nhấn mạnh rằng đây là điều kiện tiên quyết, quan trọng để tiếp nhận khách du lịch quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ.
* Tại Philippines, ngày 22/11, nước này bắt đầu tiêm mũi tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 cho 2 nhóm người được xác định có nguy cơ cao mắc Covid-19, đó là người cao tuổi và những người mắc bệnh kèm suy giảm miễn dịch.
Bộ Y tế Philippines cho biết, người từ 60 tuổi trở lên và những người mắc các bệnh kèm suy giảm miễn dịch được xếp vào nhóm ưu tiên tiêm số 2 và số 3, trong khi nhóm ưu tiên số 1 là các nhân viên y tế đã bắt đầu được tiêm mũi tăng cường từ hôm 16/11. Đây là những nhóm người có miễn dịch giảm dần sau thời gian tiêm đầy đủ vắc xin ngừa Covid-19 hoặc hệ miễn dịch không đủ mạnh như người bình thường.
Bộ Y tế Philippines lưu ý, trong giai đoạn đầu triển khai chương trình tiêm tăng cường, chỉ có một số người mắc bệnh kèm suy giảm miễn dịch được tiêm ngay, gồm người nhiễm HIV, ung thư, bệnh nhân cấy ghép tạng, bệnh nhân điều trị ức chế miễn dịch. Số người còn lại có thể tiếp cận liều tăng cường trong năm 2022.
Theo Bộ Y tế Philippines, những người tiêm mũi tăng cường có thể được tiêm cùng loại vắc xin hoặc khác loại vắc xin so với các liều tiêm trước. Tuy nhiên, việc tiêm loại vắc xin tăng cường phải theo danh mục quy định và dựa vào sự sẵn có của vắc xin. Đến nay, Cơ quan Thực phẩm và Thuốc Philippines đã thông qua các loại vắc xin cho liều tiêm tăng cường gồm vắc xin Pfizer – BioNTech, Moderna và AstraZeneca. Riêng vắc xin Sinovac chỉ được dùng tiêm tăng cường cho những người đã tiêm vắc xin này trước đó.
Tính đến ngày 21/11, Philippines đã tiêm hơn 75 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân, trong đó có hơn 33 triệu người đã được tiêm đầy đủ; hoàn thành hơn 40% trong tổng mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70 triệu dân vào cuối năm 2021.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+, VOV)