Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông và Bắc Phi, người đứng đầu Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya (HCS), ông Khalid Al-Mishri ngày 13/11 cho biết các cuộc bầu cử ở nước này, dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 24/12 tới, nhiều khả năng sẽ phải lùi lại 3 tháng để các phe phái chính trị đạt được sự đồng thuận về hệ thống luật bầu cử.
Phát biểu với hãng thông tấn Anadolu bên lề một sự kiện báo chí ở thành phố Istanbul do Trung tâm Ngoại giao và Quan hệ quốc tế Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức, ông Al-Mishri khẳng định HCS sẽ không tham gia hoặc cản trở các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội sắp tới, song cơ quan này đã khiếu nại và đề nghị Tòa án Tối cao ra phán quyết về các quyết định của Ủy ban Bầu cử quốc gia cấp cao Libya (HNEC).
Ông Al-Mishri cũng đề cập đến khó khăn khi đệ đơn khiếu nại về các luật bầu cử do Quốc hội Libya ban hành lên Tòa án Tối cao Libya, đồng thời lưu ý rằng tòa án này có thẩm quyền giải quyết các kháng nghị đối với quyết định của HNEC.
Theo ông Al-Mishri, HCS đã kêu gọi tẩy chay các cuộc bầu cử trên. Người đứng đầu HCS nêu rõ nếu tỉ lệ cử tri tham gia chỉ là 0% tại một số điểm bỏ phiếu, những cuộc bầu cử sẽ không hợp lệ về mặt pháp lý.
Ông cho biết thêm Chủ tịch HNEC Emad Al-Sayeh đã thông qua các luật bầu cử do Quốc hội Libya ban hành mà không cần sự chấp thuận của HCS là vì các vấn đề cá nhân.
Cũng theo ông Al-Mishri, Quốc hội Libya đã ban hành các luật bầu cử với mục đích đưa tướng Khalifa Haftar, người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông, lên làm Tổng thống.
Các luật này đã vi phạm tuyên bố hiến pháp, 6 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thỏa thuận chính trị, cũng như những tuyên bố của Hội nghị Berlin I và Hội nghị Berlin II về Libya.
Liên quan đến tình hình Libya, Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày đã lên tiếng bác bỏ lời kêu gọi rút các lực lượng nước ngoài khỏi Libya được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra một ngày trước đó tại Hội nghị quốc tế về Libya ở Paris (Pháp).
Theo Cố vấn chính về sách ngoại giao hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, nếu Tổng thống Macron coi việc rút các lực lượng nước ngoài khỏi Libya là vấn đề ưu tiên quan trọng nhất thì đó chính là sự sai lầm.
Libya hiện cần sự hỗ trợ đối với tiến trình chính trị, quá trình bầu cử, cũng như các vấn đề kinh tế của nước này.
Cũng theo ông Kalin, sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya là nhằm hỗ trợ công tác huấn luyện, đảm bảo an ninh và hỗ trợ xây dựng lực lượng quân đội quốc gia thống nhất.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cử một phái đoàn cấp thấp tới Paris để tham dự Hội nghị quốc tế về Libya. Đây là một dấu hiệu cho thấy sự “không hài lòng” của Ankara đối với Pháp.
Theo TTXVN/Vietnam+