Thứ Sáu, 10/01/2025 23:24 CH
Thế giới đã ghi nhận hơn 253 triệu ca mắc mới COVID-19
Thứ Bảy, 13/11/2021 17:53 CH

Nhân viên y tế kiểm tra mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 13/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 253.187.778 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 5.103.695 ca tử vong.

 

Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 228.982.781 người. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với tổng số 47.833.282 ca mắc, trong đó 782.929 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với 34.414.609 ca mắc, trong đó 462.893 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 21.940.950 ca mắc, trong đó 610.935 ca tử vong.

 

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết tình hình dịch bệnh tiếp tục xấu  ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là "rất đáng lo ngại”. ECDC cho rằng số các ca bệnh, người nhập viện và số ca tử vong có thể sẽ tăng trong 2 tuần tới. Trong số 27 quốc gia thành viên EU, các nước Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại”.

 

Trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia, gồm Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Cyprus, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3 "tình hình đáng lo ngại vừa phải", còn Malta, Tây Ban Nha, Ý và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.

 

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan, nhiều nước châu Âu đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo về việc áp dụng lại một loạt hạn chế về sức khỏe, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng, để đối phó với số ca mắc mới cao kỷ lục (16.364 trường hợp mắc mới ghi nhận ngày 11/11).

 

Tại Đức, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cảnh báo tình hình dịch bệnh tại nước này hiện đang nghiêm trọng và khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Quan chức này nhấn mạnh Đức cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ làn sóng dịch thứ 4 đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải như từng xảy ra trước đây.

 

Cũng theo Bộ trưởng Spahn, Đức phải làm mọi điều cần thiết để phá vỡ làn sóng dịch thứ 4. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục khẳng định tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ đối với xã hội.

 

Theo nhà lãnh đạo Đức, sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc cần phải hành động ngay lập tức.

 

Chính phủ Na Uy cũng thông báo nước này sẽ tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang lây lan trên toàn quốc. Tuy nhiên, Thủ tướng Jonas Gahr Store cho rằng chính phủ sẽ không cần ban hành lệnh phong tỏa và sẽ lên kế hoạch tiêm liều vắc xin tăng cường cho những người trên 18 tuổi. Na Uy đã dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 9 vừa qua.

 

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Anh lại có xu hướng ngược lại. Anh từng là quốc gia có tỉ lệ mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất châu Âu, song tỉ lệ này đã giảm trong những tuần gần đây. Theo số liệu ngày 12/11 của chính phủ, số ca mắc mới theo ngày tại Anh đã giảm 6,5%, trong khi số ca tử vong và nhập viện lần lượt giảm 8,9% và 12,4%. Tỉ lệ mắc COVID-19 theo ngày tại Anh hiện ở mức 500 ca/1 triệu người, trong khi tỉ lệ này cao hơn gấp đôi tại Áo.

 

Thủ tướng Boris Johnson cho rằng dịch bệnh đang lây lan khắp châu Âu là lời nhắc nhở rằng đại dịch vẫn chưa kết thúc và không có chỗ cho sự tự mãn. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải nhanh chóng tiêm mũi vắc xin tăng cường để tránh tình trạng đang xảy ra tại các khu vực ở châu Âu.

 

Tại khu vực châu Á, Hàn Quốc đã quyết định gia hạn khuyến cáo đặc biệt về việc đi ra nước ngoài thêm 1 tháng nữa, đến ngày 13/12 tới do dịch bệnh vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới. Theo đó, công dân Hàn Quốc được khuyến nghị hủy hoặc hoãn các chuyến đi nước ngoài không cần thiết.

 

Hàn Quốc ban hành khuyến cáo trên lần đầu tiên vào tháng 3 năm nay và đã gia hạn thêm cho đến nay. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết sẽ tham vấn với giới chức y tế và các Đại sứ quán của nước này ở nước ngoài để nới lỏng những hạn chế đi lại theo giai đoạn có tính đến yếu tố dịch tễ, tỉ lệ tiêm chủng vắc xin và các biện pháp cách ly ở nước ngoài.

 

Trong khi đó, Bộ Y tế Lào bắt đầu cho phép người mắc COVID-19 thể nhẹ được tự cách ly và điều trị tại nhà. Đây là một trong những biện pháp nhằm giảm tình trạng quá tải tại các trung tâm y tế, đồng thời dành giường điều trị cho các ca bệnh nặng.

 

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, những ca mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng được cách ly điều trị tại nhà phải đáp ứng các điều kiện như: người đã tiêm đủ vắc xin COVID-19; độ bão hoà oxy trong máu (SP02) trên 95%, nhịp thở dưới 25/phút, không bị khó thở; người có các triệu chứng nhẹ như đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; người dưới 60 tuổi không có bệnh nền như tim mạch, tiểu đường, phổi mạn tính, ung thư, tim mạch vành, suy thận… và người không mang thai. 

 

Người mắc COVID-19 tự điều trị tại nhà được yêu cầu cách ly hoàn toàn với người thân trong 14 ngày. Trong khi đó, người vừa phục hồi COVID-19 khi cách ly tại nhà cần phải có ít nhất một người thân trong gia đình đủ sức khoẻ để chăm sóc người bệnh.

 

Bộ Y tế Lào khuyến nghị người vừa được điều trị khỏi COVID-19 khi cách ly tại nhà nên uống nhiều nước, ăn đủ chất; người bị sốt phải uống thuốc theo chỉ định, nếu gặp triệu chứng nghiêm trọng cần liên hệ ngay với cơ quan y tế.

 

Liên quan đến tình hình COVID-19 trong nước, ngày 13/11, Bộ Y tế Lào cho biết  trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.032 ca mắc mới COVID-19 và 2 trường hợp tử vong. Theo bộ trên, số ca mắc COVID-19 tại nước này tiếp tục ghi nhận ở mức cao tại 17/18 tỉnh/thành, trong đó có tới 1.018 ca cộng đồng, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 409 ca cộng đồng, giảm 170 trường hợp so với ngày 12/11. Đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 53.207 ca, trong đó có 96 người tử vong.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổ chức này tiếp tục tiến trình xem xét, đánh giá để cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc xin ngừa COVID-19 Sputnik V do Nga sản xuất, sau một thời gian bị đình trệ. Trợ lý Tổng Giám đốc WHO, bà Mariangela Simao đưa ra thông tin trên khi phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 12/11 và cho biết cần trao đổi thêm thông tin với đơn vị sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga.

 

Theo bà Simao, WHO vẫn cần nhận được hồ sơ đầy đủ về vắc xin Sputnik V và có những vấn đề cần được xử lý liên quan đến việc kiểm tra tại các cơ sở sản xuất. Bà cho biết WHO sẽ tổ chức cuộc họp đánh giá vắc xin Sputnik V vào tuần tới. 

 

Cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết tất cả những vướng mắc cản trở việc đăng ký vắc xin Sputnik V phòng COVID-19 tại WHO đã được gỡ bỏ. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng xác nhận đã thảo luận với giới chức Nga về quy trình đăng ký vắc xin Sputnik V vào danh mục các loại thuốc được WHO khuyến cáo sử dụng trong trường hợp khẩn cấp phòng chống COVID-19.

 

Việc WHO phê duyệt vắc xin Sputnik V cũng có thể mở đường cho loại vắc xin này được cung cấp cho các quốc gia nghèo hơn thông qua sáng kiến chia sẻ vắc xin toàn cầu COVAX. 

 

Hiện WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho 6 loại vắc xin ngừa COVID-19, gồm vắc xin của công ty Bharat Biotech (Ấn Độ), hãng Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Johnson&Johnson (Mỹ) và Sinopharm (Trung Quốc).

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek