Cơ quan quản lý dịch bệnh châu Âu ngày 12/11 cho biết tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục xấu đi ở Liên minh châu Âu (EU), trong đó 10 quốc gia được coi là "rất đáng lo ngại”.
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong tóm tắt đánh giá rủi ro về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) nhấn mạnh tình hình dịch tễ học ở EU hiện nay nổi bật là sự gia tăng nhanh chóng và đáng kể các ca bệnh, tỉ lệ tử vong thấp.
ECDC cho biết số lượng các ca bệnh, người nhập viện và số người chết dự kiến sẽ tăng trong hai tuần tới. Trong số 27 quốc gia thành viên EU, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia nằm trong danh sách "rất đáng lo ngại”. Bỉ, Phần Lan, Liechtenstein và Ba Lan đều có số lượng ca nhiễm cao trong tuần này.
Nằm trong danh sách “đáng lo ngại” hiện có 13 quốc gia: Áo, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Iceland, Liechtenstein, Luxembourg, Na Uy, Romania, Slovakia, Litva, Ireland và Latvia. Síp, Pháp và Bồ Đào Nha nằm trong nhóm 3, "tình hình đáng lo ngại vừa phải" và Malta, Tây Ban Nha, Ý và Thụy Điển nằm trong nhóm cuối cùng.
Phương pháp được ECDC sử dụng cho các đánh giá là sự kết hợp giữa các giá trị tuyệt đối (số trường hợp, số ca nhập viện và tử vong) với sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh mới gần đây. Theo dự báo mới nhất, số ca mắc và tử vong dự kiến sẽ tăng khoảng 50% trong hai tuần tới, đạt tỉ lệ hàng tuần là 300 ca mắc mới và 2,7 ca tử vong/100.000 dân.
Tại cuộc họp báo tối 12/11, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thông báo về việc áp dụng lại một loạt hạn chế về sức khỏe, đặc biệt đối với lĩnh vực nhà hàng, để đối phó với số ca mắc COVID-19 cao kỷ lục. Kể từ ngày 13/11, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng thiết yếu như siêu thị sẽ phải đóng cửa lúc 20 giờ và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 18 giờ.
Người dân Hà Lan được kêu gọi không đón tiếp quá 4 người trong nhà và nên làm việc từ xa. Các cuộc tụ tập của công chúng bị cắt giảm và các trận đấu bóng đá sẽ diễn ra mà không có khán giả, bao gồm cả vòng loại World Cup giữa Hà Lan và Na Uy vào tuần tới. Tuy nhiên, trường học vẫn mở cửa và người dân vẫn được phép ra khỏi nhà.
Chính phủ chuẩn bị tái áp đặt việc chỉ cho phép người đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 hoặc người đã có kháng thể virus SARS-CoV-2 sau khi mắc COVID-19, được tới các cơ sở ăn uống và giải trí. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Tình hình dịch bệnh tại Hà Lan vẫn tăng cao bất chấp việc 82% người dân trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ. Những người không được tiêm chủng chiếm hầu hết là các trường hợp chăm sóc đặc biệt (69%) và nhập viện (55%), nhưng việc giảm hiệu quả của vắc xin, đặc biệt là ở người cao tuổi, cũng có liên quan.
Chính phủ Hà Lan đã thông báo chiến dịch tăng cường vắc xin sẽ bắt đầu vào tháng 12. Hà Lan đã ghi nhận 16.364 trường hợp mắc mới COVID-19 trong ngày 11/11, phá vỡ kỷ lục trước đó là 12.997 ca hồi tháng 12/2020. Kể từ đầu mùa dịch, Hà Lan đã có 2,2 triệu trường hợp mắc và 18.612 ca tử vong trên tổng số 17 triệu dân.
Ngày 12/11, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo tình hình dịch bệnh tại nước này hiện đang nghiêm trọng và khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn lời Bộ trưởng Jens Spahn nêu rõ nước Đức cần hành động nhanh chóng để ngăn chặn nguy cơ đợt dịch thứ 4 đẩy hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải như từng xảy ra trước đây. Cũng theo ông Jens Spahn, Đức phải làm mọi điều cần thiết để phá vỡ làn sóng dịch thứ 4.
Cùng ngày, Giám đốc Viện Robert Koch (RKI) của Đức về các bệnh truyền nhiễm, ông Lothar Wieler, cũng cảnh báo các giường chăm sóc đặc biệt ở một khu vực đã đầy hoặc quá tải. Hiện các bang Sachsen, Thuringia và Bayern là những nơi chịu nhiều căng thẳng nhất trong đợt dịch này.
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ đối với xã hội. Theo nhà lãnh đạo Đức, sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 đồng nghĩa với việc cần phải hành động ngay lập tức.
Ước tính, hiện đã có 2/3 trong 83 triệu người dân Đức được tiêm chủng ngừa COVID-19 nhưng các đảng tham gia đàm phán thành lập chính phủ đang xem xét tăng cường các biện pháp phòng chống dịch mới và sẽ công bố vào ngày 18/11.
Ngày 12/11, Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết nước này đã lập ra giai đoạn chuyển tiếp từ nay cho tới ngày 1/2/2022 để tiêm vắc xin phòng COVID-19. Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, trong giai đoạn chuyển tiếp này, người dân Nga có thể tham gia các sự kiện công cộng, đến nhà hàng và cửa hàng phi thực phẩm không chỉ bằng mã QR xác nhận đã tiêm phòng hoặc mắc bệnh COVID-19 trước đó, mà còn bằng các xét nghiệm PCR âm tính.
Bà Golikova lưu ý: “Cho đến ngày 1/2 năm sau, ngoài mã QR trong các cửa hàng, nhà hàng và tại các sự kiện công cộng, sẽ có thể xuất trình xét nghiệm PCR âm tính hoặc giấy chứng nhận y tế, sau đó thì chỉ cần có giấy chứng nhận y tế”. Sau ngày 1/2/2022, giấy chứng nhận PCR sẽ bị bãi bỏ.
Chính phủ Nga đã đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) dự luật về việc sử dụng hệ thống mã QR trong các cửa hàng phi thực phẩm, nhà hàng, cơ sở văn hóa và tại các sự kiện công cộng. Quyết định về việc sử dụng mã QR và danh sách các cơ sở sẽ được chính quyền địa phương đưa ra. Dự kiến, hệ thống mã QR code sẽ hoạt động cho đến ngày 1/6/2022.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 2giờ sáng 13/11 (theo giờ Việt Nam), Nga ghi nhận tổng cộng 8.992.595 người mắc COVID-19, trong đó có 252.926 ca tử vong
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)