Ngày 11/11, Quốc hội Đức đã thảo luận về các quy định mới nhằm đối phó với làn sóng dịch bệnh thứ tư COVID-19 mà không phải áp đặt lệnh phong tỏa hay bắt buộc mọi người dân phải tiêm phòng.
Ba đảng tham gia đàm phán để thành lập chính phủ mới của Đức đã nhất trí cho phép tình trạng khẩn cấp, vốn được áp đặt kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, hết hiệu lực vào ngày 25/11, bất chấp số ca mắc mới tăng vọt khi thời tiết trở lạnh hơn.
Một số chính trị gia Đức coi tình trạng khẩn cấp không còn cần thiết trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng được đẩy mạnh và nhu cầu bước vào giai đoạn bình thường mới tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Thay vào đó, liên minh ba bên đã đề xuất dự luật cho phép thực thi và siết chặt các biện pháp phòng dịch hiện hành, như bắt buộc đeo khẩu ở các không gian công cộng trong nhà. Các đảng này cũng muốn mở lại các trung tâm tiêm chủng và khôi phục việc xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2.
Ông Olaf Scholz, người dự kiến sẽ được bầu làm Thủ tướng Đức vào đầu tháng 12 tới, cho biết chính phủ liên bang và thủ hiến của 16 bang của Đức sẽ gặp nhau vào tuần tới để thảo luận về các biện pháp tiếp theo nhằm đối phó với đại dịch.
Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ các biện pháp như yêu cầu các nơi làm việc kiểm tra việc tiêm vắc xin ngừa COVID-19, quá trình phục hồi sức khỏe cũng như kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 của các nhân viên.
Trong ngày 11/11, Viện Robert Koch của Đức thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục - 50.196 ca. Tỉ lệ xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính ở mức cao nhất kể từ đầu dịch tới nay, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này đang ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Số liệu của Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cho biết trong tuần từ ngày 1-7/11, tỉ lệ xét nghiệm PCR dương tính ở Đức là hơn 16% - cao chưa từng thấy kể từ đầu dịch tới nay, và tăng mạnh so với tỉ lệ trên 12% ghi nhận tuần trước đó.
Trong tuần từ Giáng sinh đến Năm mới 2020, thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở Đức năm ngoái, tỉ lệ xét nghiệm dương tính là hơn 15%.
Theo số liệu của các cơ quan y tế Đức, trong 24 giờ qua, nước Đức (trừ bang Schleswig-Holstein chưa có số liệu) ghi nhận 49.162 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc tại nước này từ đầu dịch lên 4,911 triệu ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 212 ca, lên tổng cộng 97.244 ca. Hiện trên cả nước Đức có 2.828 bệnh nhân COVID-19 đang phải điều trị tích cực, trong đó 1.440 ca phải thở máy.
Bang Sachsen hiện là bang đầu tiên ở Đức có tỉ lệ nhiễm trung bình trong bảy ngày là hơn 500 ca trên 100.000 dân, tiếp theo là bang Thüringen với 469,2 và Bayern với 427,4. Một ngày trước đó, Đức đã lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong ngày vượt 50.000 ca.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, RKI khuyến cáo khẩn cấp hủy hoặc tránh các sự kiện lớn có đông người tham gia, cũng như hạn chế tối đa các tiếp xúc không cần thiết.
Theo RKI, tình hình dịch bệnh hiện nay đặc biệt đáng lo ngại, có nguy cơ số ca mắc với triệu chứng nặng và tử vong sẽ tăng lên. RKI khuyến cáo tất cả mọi người tuân thủ mọi biện pháp phòng dịch, như giảm tiếp xúc và quy tắc AHA+L (giữ khoảng cách, giữ vệ sinh dịch tễ, đeo khẩu trang và thông gió).
Theo Chủ tịch RKI Lothar Wieler, việc áp đặt quy tắc 2-G (chỉ nới lỏng với người đã hoàn thành tiêm chủng và có kháng thể sau khi mắc COVID-19) như nhiều bang đang thực hiện sẽ góp phần tăng tỉ lệ tiêm chủng ở Đức. Ông cho rằng quy định này có thể thuyết phục việc thực hiện tiêm chủng đối với với phần lớn trong số 16 triệu người trên 12 tuổi chưa tiêm chủng hiện nay.
Liên quan việc tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 tại Đức, tốc độ tiêm chủng trong những ngày qua có dấu hiệu tăng lên, song chủ yếu là mũi vắc xin tăng cường, với trung bình 130.000 mũi/ngày.
Cho tới nay, 1/10 số người trên 60 tuổi ở Đức đã được tiêm mũi tăng cường (tương đương 9,9% ở nhóm tuổi này), ít nhất hơn 67% dân số (56 triệu người) được tiêm đầy đủ và gần 70% đã tiêm ít nhất một mũi. Tuy nhiên, tỉ lệ tiêm chủng có nhiều chênh lệch giữa các bang.
Trong khi Bremen có tới 81,5% dân số đã tiêm ít nhất một mũi thì con số này ở bang Sachsen là 59,4%. Theo các nhà khoa học hàng đầu ở Đức, việc nhanh chóng tiến hành tiêm mũi tăng cường cho một nửa dân số có thể giúp nước Đức phá vỡ làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay.
Một phân tích của Viện khoa học Max-Planck cho biết việc tiêm mũi thứ ba cho 50% dân số đã tiêm 2 mũi có thể "bù đắp" một phần những tác động tiêu cực về mặt dịch tễ học do tỉ lệ người chưa tiêm chủng tương đối cao hiện nay.
Tuy nhiên, để làm được điều này, chiến dịch tiêm chủng mũi tăng cường sẽ phải được triển khai nhanh hơn đáng kể so với các chiến dịch tiêm mũi thứ nhất và thứ hai hồi mùa hè.
Bộ Y tế liên bang Đức khuyến nghị tiêm chủng mũi tăng cường 6 tháng sau khi tiêm đủ liều, trong khi Thủ hiến bang Bayern Markus Söder ngày 11/11 thậm chí đề nghị tiến hành tiêm mũi thứ ba chỉ 5 tháng sau mũi tiêm thứ hai nhằm tăng cường khả năng bảo vệ người đã tiêm đủ.
Người đứng đầu bang Bayern kêu gọi đẩy mạnh hơn nữa việc tiêm mũi tăng cường cho mọi lứa tuổi, và áp đặt quy tắc 2-G trên cả nước.
Cho tới nay, nhiều bang ở Đức (Sachsen, Baden-Württemberg, Brandenburg, Berlin, Niedersachsen, Nordrhein-Westfalen...) đã áp đặt quy tắc 2-G trong nhiều lĩnh vực.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)