Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, Ủy ban liên bộ y tế của Bỉ ngày 10/11 quyết định áp dụng việc tiêm bổ sung liều vắc xin để tăng cường khả năng miễn dịch chống lại virus SARS-CoV-2 cho tất cả người dân Bỉ.
Việc lập kế hoạch và phương thức của chiến dịch "tăng liều" này sẽ được thảo luận tại Hội nghị y tế liên bộ (CIM) dự kiến diễn ra vào ngày 27/11 tới và sau khi nhận được ý kiến xác thực từ các bộ trưởng thuộc Hội đồng y tế cấp cao (CSS).
Bộ trưởng Y tế vùng Wallonie, Christie Morreale, cho biết sẽ xác nhận các lựa chọn dựa trên những khuyến nghị từ các nhà khoa học, CSS và lực lượng tiêm chủng.
Trên cơ sở đó, cơ quan chức năng về y tế sẽ lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường vào năm 2022. Hiện tại vẫn chưa xác định địa điểm để tổ chức chiến dịch tiêm chủng tăng cường.
Trong một đoạn tweet, Bộ trưởng Y tế vùng Flemish, Wouter Beke nhấn mạnh khả năng triển khai cho liều thứ hai của vắc xin Johnson & Johnson (Janssen), theo khuyến nghị từ CSS hôm 8/11, do khả năng miễn dịch của vắc xin này giảm nhanh hơn.
Một nghiên cứu được thực hiện ở Mỹ trên 700.000 người gần đây cho thấy khả năng bảo vệ được cung cấp bởi một liều vắc xin Johnson & Johnson giảm đáng kể theo thời gian: một liều "tăng cường" do đó được CSS coi là cần thiết để bảo vệ nhóm dân số yếu hơn, đặc biệt là người già.
Theo giáo sư miễn dịch học Michel Goldman thuộc Đại học Tự do Brussels, vắc xin AstraZeneca và J & J dựa trên cùng một công nghệ, sử dụng vector là virus adeno và tạo khả năng bảo vệ kháng thể thấp hơn so với vắc xin RNA thông tin (Pfizer và Moderna).
Nếu ban đầu, một liều duy nhất được coi là đủ đối với Johnson & Johnson, thì đó là tránh các dạng nhiễm bệnh nghiêm trọng trong vài tháng sau khi tiêm chủng.
Bỉ hiện đang trải qua làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ tư kể từ mùa Xuân năm 2020 với trung bình hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh mỗi ngày.
Các bệnh viện hiện đang điều trị cho gần 2.000 bệnh nhân COVID-19. Các bệnh viện chuyển sang giai đoạn 1A vào cuối tháng 10, tức là 25% công suất chăm sóc đặc biệt phải dành cho bệnh nhân COVID-19.
Hơn 74.570 xét nghiệm được tiến hành trong tuần trước với tỉ lệ dương tính là 11,7%. Nhóm tuổi từ 0-9 có tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất với 17,4%, tiếp đến là nhóm tuổi từ 40-64 (12,7%) và các nhóm tuổi khác là 11%.
Cho đến nay, gần 8,6 triệu người trưởng thành đã được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin ngừa COVID-19, chiếm 87% số người trưởng thành và 75% toàn dân số. Tỉ lệ tiêm ít nhất một liều là 88%.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza tuyên bố những người trong độ tuổi 40-60 tại nước này sẽ được tiêm mũi vắc xin tăng cường phòng COVID-19 kể từ ngày 1/12 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại phiên chất vấn tại hạ viện, Bộ trưởng Speranza nói rằng mũi tiêm tăng cường là "chiến lược trong chiến dịch vắc xin” của chính phủ.
Hiện khoảng 83,7% người dân Ý đã được tiêm đủ liều vắc xin và 2,4 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường. Ông Speranza nói: “Chúng tôi bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho những người dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng, các nhân viên y tế, những người trên 60 tuổi và những người đã tiêm vắc xin của J&J”.
Đây là biện pháp mới nhất mà Bộ Y tế Ý công bố để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ tư ở nước này bởi vì hầu hết các bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện và cấp cứu đều là những người chưa tiêm vắc xin.
Trước đó, ông Franco Locatelli, người đứng đầu Ủy ban kỹ thuật khoa học (CTS) của Chính phủ Ý, chuyên tư vấn về các biện pháp y tế, nói: “Chúng ta đang ở trong thời điểm mà nguy cơ phát triển thành bệnh nặng và tử vong là khác nhau đáng kể giữa những người đã tiêm vắc xin và những người chưa tiêm”.
Theo các chuyên gia y tế Ý, quy mô của đợt lây nhiễm thứ tư vào mùa đông này sẽ phụ thuộc vào chiến dịch tiêm chủng và việc người dân tuân thủ các quy định phòng chống dịch.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)