Ngày 9/11, hãng tin Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết Ấn Độ có thể nối lại việc cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 cho cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX trong vài tuần tới, sau 7 tháng tạm dừng do sự bùng phát dịch ở trong nước.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một trong các tổ chức khởi xướng COVAX, đã hối thúc Ấn Độ nối lại nguồn cung vắc xin cho cơ chế này, đặc biệt sau khi Ấn Độ gửi khoảng 4 triệu liều cho các nước láng giềng và đối tác vào tháng 10.
Theo nguồn tin, các quan chức COVAX đã bắt đầu lập kế hoạch phân bổ vắc xin Covishield - phiên bản vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) được Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) sản xuất, cho nhiều quốc gia. Nguồn tin này nêu rõ: "SII sẽ cần phải xác nhận các đơn đặt hàng, dán nhãn, đóng gói và ủy thác xuất khẩu cho từng lô hàng. Do đó, những lô vắc xin đầu tiên - nếu được Chính phủ Ấn Độ cấp phép xuất khẩu, sẽ được chuyển giao sớm nhất là trong vài tuần tới”.
Sản lượng vắc xin của SII đã tăng gần gấp 4 lần kể từ tháng 4, đến nay đạt 240 triệu liều/tháng. Hiện SII, Bộ Y tế Ấn Độ và WHO chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.
Trước đó cùng ngày, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hiện nước này dư thừa hơn 159 triệu liều vắc xin các loại do tiến độ tiêm chủng chậm lại sau khi 79% trong số 944 triệu người trên 18 tuổi đã tiêm ít nhất một mũi và 37% tiêm đủ liều.
Trong diễn biến khác, ngày 8/11, người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ nước này đang có kế hoạch hợp tác với các trường học để cung cấp vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Sinovac cho trẻ em từ 6-11 tuổi.
Phát biểu tại hội thảo trực tuyến Tháng tiêm chủng cho trẻ em, bà Siti cho rằng việc tiêm chủng cho trẻ em được đánh giá sẽ hiệu quả hơn nếu thực hiện ở các trường học. Chính phủ đang lên kế hoạch chi tiết về nội dung và kỹ thuật đối với chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ từ 6-11 tuổi.
Đối với trẻ em khuyết tật, Chính phủ Indonesia dự kiến sẽ hợp tác với các trường chuyên biệt và cơ sở cộng đồng cho người khuyết tật. Đối với trẻ em không được đến trường, sẽ phối hợp với Văn phòng các vấn đề xã hội. Đối với trẻ em mắc các bệnh bẩm sinh như tim, bạch cầu, không được tiêm chủng nếu không có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
Hội đồng khoa học Indonesia cũng đang xây dựng các phương án sàng lọc phù hợp cho từng đối tượng trẻ em khi tiến hành tiêm chủng. Sẽ có một hệ thống dữ liệu tiêm chủng duy nhất. Chính phủ yêu cầu phụ huynh chuẩn bị số chứng minh nhân dân (NIK) của trẻ em trước khi tiêm chủng.
Theo bà Siti, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa COVID-19 cho khoảng 26 triệu trẻ em từ 6-11 tuổi trên cả nước, theo đó cần ít nhất 50 triệu liều vắc xin.
Tại Mỹ, theo các nguồn thạo tin, số nhân viên của Boeing xin miễn tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vì lý do sức khỏe và tôn giáo đã lên đến hơn 11.000 người, tức gần 9% tổng lực lượng lao động tại Mỹ của công ty này, cao hơn gấp nhiều lần so với mức ước tính ban đầu của các quản lý cấp cao.
Cuối tuần trước, Nhà Trắng đã lùi thời hạn yêu cầu các nhà thầu liên bang phải bắt buộc nhân viên tiêm vắc xin hoặc xét nghiệm thường xuyên nếu được miễn tiêm đến ngày 4/1. Sau đó, Boeing cũng lùi thời hạn yêu cầu tiêm vắc xin đối với nhân viên của mình đến ngày 4/1. Những người có lý do y tế hoặc tôn giáo phải nộp đơn xin miễn tiêm vắc xin.
Trong một bức thư nội bộ, Boeing cho biết những nhân viên được cho phép miễn tiêm vắc xin phải đeo khẩu trang, tuân thủ quy định giãn cách và tiến hành xét nghiệm thường xuyên. Hai nguồn tin thân cận cho biết các lãnh đạo của Boeing ban đầu ước tính số người nộp đơn xin miễn tiêm chỉ chiếm khoảng 2% nhân sự.
Nhưng vào tuần trước, một nguồn tin cho hay đã có hơn 10.000 nhân viên nộp đơn xin miễn tiêm vắc xin vì lý do tôn giáo, trong khi một người khác cho biết con số này phải lên đến hơn 11.300 người. Bên cạnh đó, có thêm khoảng 1.000 người xin miễn tiêm vì lý do y tế.
Tương tự, hai nguồn tin cho hay tại United Launch Alliance (ULA), một công ty chế tạo tên lửa liên doanh 50-50 giữa tập đoàn Lockheed Martin và Boeing, khoảng 50 nhân viên đã bị buộc nghỉ không lương, hoặc quyết định nghỉ hưu sớm, sau khi từ chối tiêm vắc xin trước thời hạn mà công ty đặt ra.
Một nguồn tin khác cho biết các lãnh đạo của ULA dự đoán trong trường hợp xấu nhất, công ty này sẽ mất 15% trong số nhân sự khoảng 2.600 người của mình, tức khoảng 390 người. Một người phát ngôn của ULA cho biết tính đến nay đã có 1% nhân sự, tức khoảng 26 người, đã thôi việc tại công ty này.
Sự việc trên xảy ra sau khi các lãnh đạo của ULA quyết định từ chối tất cả các đơn xin miễn tiêm vắc xin vì lý do tôn giáo, vì việc xem xét từng trường hợp quá mất thời gian.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)