Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ 45 ngày 6/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 249.820.962 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.053.245 người không qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục là 226.170.721 người trong khi vẫn còn 18.596.996 bệnh nhân đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 47.274.614 ca nhiễm, trong đó có 774.519 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 34.344.087 ca mắc và 460.268 ca tử vong, tiếp đến là Brazil, nước ghi nhận tổng cộng 21.862.458 ca mắc, trong đó có 609.112 ca tử vong.
Số ca mắc mới trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi có thêm 499.720 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, trong số này Mỹ, Nga, Anh, Đức vẫn là những chiếm nhiều nhất. Cụ thể, Mỹ ghi nhận 80.385 ca, tiếp đó là Nga với 40.735 ca, Đức 35.806 ca và Anh là 34.029 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc mới ở mức cao, Hội nghị Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức ngày 5/11 đã nhất trí sẽ tiến hành tiêm mũi tăng cường cho tất cả người dân. Bên cạnh đó, giới chức y tế Đức cũng yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các cơ sở dưỡng lão và chăm sóc người cao tuổi, đồng thời thắt chặt kiểm soát các biện pháp phòng dịch.
Việc tiêm mũi tăng cường cho mọi người đã tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng, không chỉ nhóm người trên 70 tuổi và nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế như khuyến nghị. Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức cần tăng tốc với mũi tiêm tăng cường nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay khi tốc độ lây nhiễm đang nhanh chóng gia tăng.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Đức nhất trí tăng cường kiểm soát các quy định 3-G (gồm đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm với kết quả âm tính) tại tất cả các vùng miền, trong khi những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch phải áp dụng quy định 2-G (không tính các trường hợp làm xét nghiệm).
Với những quy định này, chỉ những đối tượng đáp ứng các tiêu chí 3-G và 2-G mới được tham gia các sự kiện, vào nhà hàng, làm tóc... Cho tới nay, Đức đã có trên 4,7 triệu ca mắc COVID-19 và 96.346 ca tử vong.
Thực tế con số lây nhiễm còn cao hơn nhiều, bởi có nhiều người mắc bệnh song không có có triệu chứng. Ba bang có số ca mới tăng mạnh là Thüringen (chỉ số lây nhiễm lên tới 386,7), Sachsen (385,7) và Bayern (256,8).
Điểm nóng dịch bệnh tại bang Sachsen là huyện Sächsische Schweiz-Osterzgebirge khi chỉ số lây nhiễm lên tới trên 683, trong khi tại huyện Miesbach thuộc bang Bayern có chỉ số vượt 700.
Romania là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 khi có số ca tử vong do COVID-19 đã vượt mốc 50.087 ca, với thêm 483 ca trong ngày 5/11. Quốc gia gồm 19 triệu dân này cũng ghi nhận thêm 8.268 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên mức 1.693.532 ca. Đáng chú ý, có tới 9.020 ca đã tái lây nhiễm trong hơn 180 ngày sau khi mắc bệnh lần đầu.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 5/11 thông báo ông sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến vào tuần tới với các nhà lãnh đạo ngoại giao các nước nhằm thảo luận về đại dịch COVID-19 và thu hẹp bất bình đẳng toàn cầu trong tiếp cận vắc xin.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lại thông báo của ông Blinken cho biết cuộc họp sẽ diễn ra ngày 10/11 nhằm thúc đẩy các nỗ lực hướng tới mục tiêu công bằng vắc xin. Tuyên bố nói rõ: “Mặc dù đã đạt được những tiến bộ về vắc xin trên toàn thế giới nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được điều chúng ta muốn”.
Cuộc họp sắp tới sẽ là sự kiện tiếp nối sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của các nhà lãnh đạo thế giới hôm 22/9 vừa qua, trong đó Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ hỗ trợ thêm 500 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước.
Hiện Mỹ đang tiến hành tiêm mũi vắc xin tăng cường cho người dân trước mùa đông và cũng đang chịu sức ép lớn về việc chia sẻ vắc xin nhiều hơn cho các nước khác trên thế giới.
Trong diễn biến khác, các nhà khoa học Anh đã xác định được một gene làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong do COVID-19, qua đó giúp giới y khoa hiểu rõ hơn nguyên nhân tại sao có những người dễ mắc bệnh hơn các trường hợp còn lại, đồng thời mở ra hướng đi mới trong phương pháp điều trị bệnh này.
Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Oxford được công bố trên tạp chí Nature Genetics ngày 5/11, khoảng 60% những người gốc Nam Á có một loại gene đặc biệt, khiến họ có nguy cơ tổn thương cao nếu mắc COVID-19.
Các chuyên gia cho rằng phát hiện này phần nào lý giải vì sao số ca tử vong cao lại cao hơn trong một số cộng đồng người Anh nhất định và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tại tiểu lục địa Ấn Độ.
Với nghiên cứu trên, các nhà khoa học kết luận rằng nguy cơ bệnh trở nặng, thậm chí dẫn đến tử vong, không phải do sự khác biệt về mã hóa di truyền của các protein, mà do sự khác biệt về ADN - có khả năng tạo ra một loại "công tắc" để kích hoạt một loại gene đặc biệt.
Tín hiệu di truyền này có khả năng ảnh hưởng đến các tế bào trong phổi, trong khi một phiên bản gene đặc biệt có thể khiến cơ thể gặp nguy cơ cao khi mắc COVID-19 - được đặt tên là LZTFL1, có thể ngăn cản các tế bào lót đường hô hấp và phổi ngăn cản virus xâm nhập.
Tuy nhiên, gene LZTFL1 không ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể trong việc tạo ra các kháng thể để chống lại sự lây nhiễm. Theo các nhà nghiên cứu, những người mang gene LZTFL1 vẫn đáp ứng tốt với vắc xin ngừa COVID-19.
Giáo sư James Davies - người đồng chủ trì nghiên cứu này, cho biết: "Phát hiện này chỉ ra rằng cách thức lá phổi phản ứng với virus xâm nhập cơ thể là rất quan trọng”.
Ông giải thích rằng nghiên cứu này có ý nghĩa rất lớn trong việc mở ra hướng đi mới trong điều trị hiệu quả bệnh COVID-19, do "hầu hết các phương pháp điều trị hiện nay đang tập trung vào việc thay đổi cách thức mà hệ thống miễn dịch hệ thống phản ứng với virus".
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)