Tờ Bangkok Post ngày 1/11 cho biết Thái Lan đã đệ trình phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lên Ban thư ký ASEAN. Thái Lan cũng tái khẳng định Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 theo lịch trình.
Tờ báo dẫn một nguồn tin từ Bộ Thương mại yêu cầu giấu tên nói rằng Thái Lan, thông qua Bộ trưởng Thương mại Jurin Laksanawisit, đã đệ trình phê chuẩn RCEP vào ngày 28/10 lên Ban Thư ký ASEAN, trước thời hạn trước đó đặt ra là vào tháng 11.
Quốc hội Thái Lan phê chuẩn RCEP vào ngày 9/2/2021. Hiệp định này, được 15 quốc gia ký kết vào tháng 11/2020, sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 thành viên ASEAN và ba quốc gia ký kết khác phê chuẩn.
Trong số các bên ký kết, Singapore và Trung Quốc đã hoàn tất các thủ tục phê chuẩn.
RCEP bao gồm 10 quốc gia ASEAN là Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng các đối tác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Hiện tại, 5 nước thành viên ASEAN là Singapore, Brunei, Lào, Campuchia và Thái Lan đã đệ trình phê chuẩn hiệp định.
Nguồn tin nói trên cho biết: “Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hiệp định sẽ có hiệu lực như dự kiến, vì Nhật Bản và Trung Quốc đã phê chuẩn hiệp định, trong khi Australia và New Zealand sẽ sớm phê chuẩn”.
Theo Vụ trưởng Vụ Đàm phán Thương mại Auramon Supthaweethum, Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ RCEP trên khía cạnh một thị trường lớn hơn vì RCEP là thị trường thương mại và đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm 15 quốc gia với dân số gần 2,3 tỉ người và tổng GDP là 28.500 tỉ USD vào năm 2020.
Khối lượng thương mại của RCEP đạt hơn 10.700 tỉ USD, tương đương 30,3% tổng thương mại toàn cầu vào năm ngoái.
Bộ Thương mại ước tính Thái Lan có tổng cộng 39.366 mặt hàng sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế, với 29.891 mặt hàng được hưởng mức thuế bằng 0 trong giai đoạn đầu. Phần còn lại dự kiến sẽ giảm dần thuế quan về 0 trong 10-20 năm.
Bà Auramon nhận xét rằng lợi ích rõ ràng từ hiệp định là xuất khẩu, chủ yếu liên quan đến một cam kết từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc giảm hoặc bãi bỏ việc thu thuế hải quan đối với các lô hàng bổ sung của Thái Lan bên cạnh những lô hàng đã được hưởng điều đó theo các hiệp định thương mại tự do.
Theo TTXVN/Vietnam+