Thứ Hai, 13/01/2025 09:32 SA
WHO: Cần hơn 23 tỉ USD để hỗ trợ, triển khai các công cụ chống dịch COVID-19
Thứ Sáu, 29/10/2021 11:27 SA

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

* Làn sóng dịch COVID-19 thứ 4 đang bùng phát tại châu Âu

 

Ngày 28/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo cần huy động hơn 23 tỉ USD trong 12 tháng tới mới có thể thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác toàn cầu Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với đại dịch COVID-19 (ACT-Accelerator).

 

ACT-Accelerator của WHO nhằm mục đích phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ (như vắc xin) để chống dịch COVID-19, qua đó góp phần chống lại tình trạng bất bình đẳng trong quá trình triển khai các vấn đề trên trên toàn cầu. Theo WHO, việc thực hiện kế hoạch này có thể giúp ngăn chặn ít nhất 5 triệu ca tử vong.

 

Trong tuyên bố của mình, WHO nhấn mạnh mối quan hệ đối tác ACT-Accelerator của các cơ quan y tế toàn cầu hàng đầu cần 23,4 tỉ USD để hỗ trợ các quốc gia có nguy cơ cao nhất đảm bảo và triển khai các công cụ chống dịch COVID-19 từ nay đến tháng 9/2022. Con số này không thấm vào đâu so với thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỉ USD mà đại dịch gây ra và chi phí cho các kế hoạch kích thích để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của các nước. WHO cũng cho biết sẽ điều chỉnh ACT- Accelerator theo hướng tập trung hơn vào việc giải quyết những thiếu hụt về nguồn cung ở các nước nghèo hơn.

 

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh để chấm dứt đại dịch, các chính phủ, các nhà sản xuất và nhà tài trợ phải hỗ trợ tài chính đầy đủ cho ACT-Accelerator để khắc phục tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận với vắc xin, phương pháp xét nghiệm và điều trị COVID-19. Ông nêu rõ: “Việc tài trợ đầy đủ cho ACT-Accelerator là một yêu cầu bắt buộc về an ninh y tế toàn cầu đối với tất cả chúng ta - bây giờ là lúc phải hành động”.

 

Chủ đề công bằng vắc xin đã trở thành trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới 2021 diễn ra trong 3 ngày 24-26/10. Tại hội nghị, Đại diện Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết khoảng cách giữa những người đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và những người chưa được tiêm đang ngày càng gia tăng. Trong khi một số quốc gia đã bảo vệ được cho phần lớn dân số, thì ở những quốc gia khác, mới có chưa đến 3% dân số được tiêm một mũi. Chỉ riêng tại châu Phi mới chỉ có 8% dân số được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.

 

Liên quan đến tình hình dịch COVID-19, làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19 đang bùng phát tại châu Âu trong khi vẫn có một số quốc gia kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ học châu Âu, tiêm phòng toàn diện là cần thiết nhưng chưa đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, vốn phát triển mạnh trong thời tiết mùa thu và mùa đông.

 

Các quốc gia đã nới lỏng rộng rãi các hạn chế về giãn cách xã hội trong mùa hè thì nay đang xem xét áp đặt trở lại các biện pháp để ngăn chặn làn sóng gia tăng các trường hợp mắc bệnh và nhập viện.

 

Giáo sư dịch tễ học Hajo Zeeb tại Đại học Bremen của Đức cho rằng tiêm chủng “giải quyết được một phần của vấn đề, nhưng không phải là tất cả”. Mặc dù tiêm phòng có tác dụng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, tuy nhiên vắc xin không phải là hiệu quả 100%, hơn nữa điều đáng lo ngại là khả năng miễn dịch đang suy yếu theo thời gian, dẫn đến việc các quốc gia chuyển sang tiêm phòng tăng cường.

 

Dù tiêm chủng không phải là một giải pháp hoàn chỉnh, nhưng thực tế cho thấy vắc xin có thể ngăn ngừa bệnh nặng và tử vong. Giáo sư Zeeb cho biết thêm, trong khi số ca nhiễm mới thậm chí có thể cao hơn so với mùa Thu và Đông năm ngoái, nhưng “chắc chắn không cao hơn nếu xét về tỉ lệ nhập viện." Giáo sư Zeeb cho rằng “đây là tin tốt, nói lên tác dụng của việc tiêm chủng”.

 

Căn cứ vào tình hình và số liệu dịch tễ hiện tại ở các quốc gia châu Âu, có thể chia những nước này thành bốn nhóm. Nhóm thứ nhất là những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Malta, nơi 80% dân số trở lên đã được tiêm chủng đầy đủ, có số ca nhiễm mới, tử vong và nhập viện rất thấp.

 

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Budapest, Hungary. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Nhóm thứ hai là các quốc gia như Anh, Đức và Áo đã đạt được tỉ lệ tiêm chủng trong khoảng 60-70%, chưa đủ để ngăn chặn các ca nhiễm mới gia tăng. Việc nới lỏng các hạn chế ở Anh cũng là một nguyên nhân dẫn đến các ca bệnh lây nhiễm mới.

 

Nhóm thứ ba là những quốc gia tụt hậu về tiêm chủng so với mặt bằng chung châu Âu. Ba quốc gia vùng Baltic và một số quốc gia ở Trung Âu, chẳng hạn như Slovenia, đang phải chứng kiến tỉ lệ mắc mới hằng ngày rất cao. Tỉ lệ tiêm chủng ở khu vực này chỉ là 50% tổng dân số đã khiến phần lớn dân số của họ không được bảo vệ khỏi virus SARS-CoV-2 và số ca nhập viện cũng như tử vong cao hơn nhiều so với các nước láng giềng phía Tây.

 

Nhóm nước cuối cùng là những quốc gia tụt hậu nhất về tiêm chủng tại châu Âu là Bulgaria và Romania. Hệ thống y tế bị quá tải đang dẫn tới thảm họa y tế đáng lo ngại tại hai quốc gia Đông Âu này.

 

Phóng viên TTXVN tại Rome dẫn báo cáo, được Tổ chức Nghiên cứu y tế Gimbe Foundation công bố ngày 28/10, cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới tại Ý đã tăng mạnh trong tuần từ 20-26/10, với 25.585 ca, tăng 43,2% so với 17.870 ca của tuần trước, trong khi số người tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi đầu lại giảm.

 

Theo báo cáo của Gimbe Foundation, một phần của sự gia tăng số ca nhiễm mới có thể là do việc tăng mạnh số lượng xét nghiệm trong 2 tuần qua, sau khi quy định bắt buộc phải có thẻ xanh COVID-19, chứng chỉ giấy hoặc kỹ thuật số cho thấy người sở hữu đã được tiêm phòng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục từ COVID-19 trong vòng 6 tháng, để được đến nơi làm việc có hiệu lực từ ngay 15/10.

 

Những người không muốn tiêm vắc xin buộc phải đi làm xét nghiệm COVID-19 hai ngày một lần. Số ca mắc mới tăng lên cũng khiến tỉ lệ bệnh nhân phải nhập viện để điều trị COVID-19 tăng 7,5%. Dữ liệu cũng cho thấy thông số Rt, thể hiện tốc độ lây nhiễm COVID-19, đã tăng lên 1,2.

 

Trong khi đó, số người đi tiêm vắc xin mũi đầu trong tuần chỉ đạt hơn 152.000, giảm 53% so với tuần trước, cũng có thể liên quan đến sự gia tăng nhẹ số người đi tiêm trước khi quy định bắt buộc phải có thẻ xanh mới được đến nơi làm việc có hiệu lực từ 15/10, sau khi tỉ lệ tiêm chủng giảm đều trong những tuần và tháng trước đó.

 

Khoảng 9/10 thẻ xanh được cấp từ trong tuần từ 14-20/10 là dựa trên kết quả xét nghiệm âm tính, chứ không phải tiêm chủng.

 

Theo số liệu của Bộ Y tế, cho đến nay, hơn 86% dân số Ý trên 12 tuổi đã tiêm ít nhất một liều vắc xin và 82% đã được tiêm đủ liều. Chính phủ hiện đang đặt mục tiêu tăng tỉ lệ người đã tiêm vắc xin lên 90%. Báo cáo trên cho biết hiện Ý có khoảng 11 triệu liều vắc xin chưa được sử dụng.

 

Trong bối cảnh biến thể Delta tiếp tục là mối đe dọa đáng kể đối với thế giới, việc tiêm chủng ngừa COVID-19 một cách thường xuyên có thể sẽ trở thành một biện pháp phòng bệnh "bình thường mới", đó là nhận định của chuyên gia y tế David Hui Shu-cheong, cố vấn cho chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), được The Standard Channel đăng tải ngày 28/10.

 

Theo ông David Hui Shu-cheong, nhiều quốc gia trên thế giới sẽ sớm triển khai liều tiêm tăng cường vắc xin ngừa COVID-19 để bảo vệ người dân trước sự lây lan của biến thể Delta. Chuyên gia này cho biết trong trường hợp cần thiết, người dân có thể sẽ phải tiêm nhắc lại thường xuyên mỗi năm, để củng cố "lá chắn" phòng bệnh này.

 

Nếu các nhà khoa học phát triển thành công các phiên bản mới của vắc xin ngừa COVID-19 nhắm mục tiêu cụ thể là biến thể Delta, thì thời gian để thực hiện mũi tiêm nhắc lại có thể kéo dài hơn. Mặc dù vậy, chuyên gia David Hui Shu-cheong cũng cho biết do tỉ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi vẫn còn thấp, các biện pháp hạn chế xã hội có thể sẽ không được nới lỏng ngay cả khi chính quyền triển khai liều tiêm tăng cường cho người dân.

 

Trước đó, các chuyên gia khoa học khác tại Hong Kong cũng đã khuyến cáo rằng những người có khả năng miễn dịch yếu và những người có nguy cơ lây nhiễm cao nên tiêm liều tăng cường của vắc xin ngừa COVID-19.

 

Những người đã tiêm vắc xin của hãng Sinovac (Trung Quốc) có thể tiêm nhắc lại với vắc xin của Pfizer/BioNTech, để tạo ra mức kháng thể cao hơn. Các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, bao gồm bệnh nhân ung thư, bệnh nhân HIV/AIDS và những người đã trải qua cấy ghép nội tạng, có thể tiêm liều tăng cường ít nhất 4 tuần sau khi thực hiện mũi tiêm trước đó.

 

Những người trên 60 tuổi và các nhóm đối tượng có nguy cơ cao - bao gồm nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại sân bay và khách sạn sử dụng làm địa điểm cách ly, cùng tài xế xe tải xuyên biên giới - có thể được tiêm nhắc lại 6 tháng sau mũi tiêm thứ 2.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek