Trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đang tăng trở lại, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi chặt chẽ AY.4.2 - một biến thể phụ của chủng Delta, nhằm đánh giá liệu mức độ lây nhiễm của biến thể này có cao hơn so với chủng ban đầu hay không.
Biến thể phụ này đã được phát hiện ở ít nhất 42 quốc gia trên thế giới. Trong bản cập nhật dịch tễ học hằng tuần, WHO cho biết cơ quan này đã giám sát mức độ xuất hiện của biến thể phụ AY.4.2 từ tháng 7/2021, đồng thời tiến hành các nghiên cứu dịch tễ học và thí nghiệm để xem xét liệu có sự thay đổi trong khả năng lây nhiễm của biến thể phụ hoặc sự suy giảm khả năng ngăn chặn virus của kháng thể ở người hay không.
So với biến thể Delta, biến thể phụ AY.4.2 có thêm ba đột biến, trong đó có hai đột biến ở protein gai, phần virus bám vào tế bào của người. Theo dữ liệu của Sáng kiến khoa học toàn cầu (GISAID), khoảng 93% tổng số ca nhiễm biến thể AY.4.2 trên thế giới được phát hiện tại Anh và ước tính biến thể này chiếm khoảng 5,9% số ca nhiễm biến thể Delta tại Anh từ ngày 3-10/10.
WHO cũng cho biết, tỉ lệ các ca mắc COVID-19 ở lứa tuổi dưới 25 được ghi nhận gia tăng kể từ đầu tháng Bảy vừa qua, đặc biệt tại các khu vực châu Âu và Tây Thái Bình Dương. Nguyên nhân là do những người lớn tuổi hơn có thể đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, hoặc những người trẻ tuổi tham gia nhiều hoạt động xã hội hơn khiến gia tăng khả năng lây nhiễm.
WHO cũng đưa ra khả năng virus SARS-CoV-2 đã xuất hiện tại các trường học khi ngày càng đông học sinh trở lại lớp học. Bên cạnh đó, WHO cho biết 51% trong tổng số 123 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận là nữ giới, song 58% số ca tử vong là nam giới.
Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong ở nhóm trên 65 tuổi đã giảm mạnh kể từ tháng 9/2020 nhờ nhóm đối tượng này được tiêm chủng và tình hình chăm sóc sức khỏe được cải thiện. Theo WHO, đến nay, 47% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19.
Trong khi đó, ngày 28/10, Úc đã nới lỏng khuyến cáo đi lại đối với một số nước, trong đó có Mỹ, Anh và Canada trong bối cảnh nước này chuẩn bị mở cửa trở lại đường biên giới từ tuần tới lần đầu tiên trong 18 tháng qua. Úc sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi nước ngoài đối với những người đã tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 từ ngày 1/11 tới sau khi tỉ lệ tiêm chủng tại nước này tăng mạnh.
Quyết định này được đưa ra sau khi các thành phố lớn nhất Úc là Sydney và Melbourne tiến tới bỏ quy định cách ly đối với người đến từ nước ngoài. Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho rằng những thay đổi trên là bước tiến quan trọng tiếp theo trong việc giúp các gia đình được đoàn tụ và giúp Úc mở cửa trở lại với thế giới một cách an toàn.
Theo bà Payne, việc cập nhật khuyến cáo đi lại nói trên còn giúp người dân nước này tiếp cận bảo hiểm du lịch dễ dàng hơn. Úc đang dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm kiềm chế dịch bệnh COVID-19 được áp đặt tại Sydney và Melbourne, nhờ tỉ lệ tiêm chủng vắc xin tăng cao tại 2 thành phố này sau khi làn sóng dịch bệnh thứ 3 do biến thể Delta gây ra lây lan mạnh ở khu vực Đông Nam nước này.
Tuy nhiên, việc nới lỏng những quy định về đi lại không đồng nhất trên cả nước Úc vì các bang và vùng lãnh thổ có độ phủ vắc xin và chính sách y tế khác khau. Theo khuyến cáo đi lại cập nhật, khuyến cáo "không đi du lịch", được đưa ra đối với tất cả các điểm đến từ tháng 3/2020, đều đã được dỡ bỏ. Mặc dù vậy, không có điểm đến nào được đặt ở mức cảnh báo thấp hơn cấp độ 2 - thận trọng cao.
Ngày 28/10, bang Victoria, nơi có TP Melbourne, ghi nhận 25 ca tử vong, số ca tử vong theo ngày cao nhất trong đợt bùng phát dịch do biến thể Delta gây ra lần này và 1.923 ca nhiễm mới, số ca mắc mới trong ngày cao nhất trong 4 ngày qua.
Trong khi đó, bang láng giềng New South Wales, nơi có TP Sydney, ghi nhận 293 ca nhiễm mới, giảm so với mức 304 ca thông báo một ngày trước đó. Hiện tổng số ca bệnh tại Úc đã tăng lên khoảng 166.000 ca, trong đó 1.694 ca tử vong.
Tại Anh, nước này có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại với 7 quốc gia còn lại trong "danh sách đỏ," theo đó hủy bỏ quy định cách ly tại khách sạn đối với những người đến từ các nước này. Theo báo The Telegraph ngày 27/10, các bộ trưởng Anh sẽ nhóm họp vào ngày 28/10 để thảo luận việc đưa 7 quốc gia cuối cùng nói trên, trong đó có Colombia và Venezuela, khỏi "danh sách đỏ”.
"Danh sách đỏ" của Chính phủ Anh gồm các nước có tỉ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác. Các chi phí này thậm chí cao hơn chi phí cho một chuyến bay.
Số ca nhiễm mới tại Anh đang gia tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây. Hiện Anh ghi nhận tổng cộng 8.897.149 ca mắc COVID-19, trong đó có 140.041 trường hợp tử vong.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)