Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính khoảng 115.000 nhân viên y tế trên toàn cầu đã tử vong do đại dịch COVID-19 và kêu gọi các nhà lãnh đạo ưu tiên tiêm chủng cho những người ở tuyến đầu chống dịch.
Trong báo cáo được công bố mới nhất này, WHO cho rằng 3,45 triệu người đã tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021. Số người tử vong do COVID-19 hiện có thể lên tới 5 triệu ca.
Trong số 135 triệu nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe, WHO cho biết ước tính rộng hơn là khoảng 80.000 đến 180.000 nhân viên có thể đã hy sinh vì COVID-19 trong khoảng thời gian đó. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khoảng 40% nhân viên y tế trên toàn cầu được tiêm chủng đầy đủ, nhưng nhấn mạnh sự chênh lệch lớn về tỉ lệ tiêm chủng giữa các quốc gia thu nhập cao và thu nhập thấp.
Đáng chú ý, tại châu Phi, cứ 10 nhân viên y tế thì chưa đến một người đã được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, ở hầu hết các nước có thu nhập cao, với hơn 80% nhân viên y tế được tiêm chủng đầy đủ.
Ông Tedros nhấn mạnh rằng hơn 10 tháng kể từ khi vắc xin COVID-19 đầu tiên được phê duyệt, vẫn còn hàng triệu nhân viên y tế vẫn chưa được tiêm chủng. Trong đó, các quốc gia giàu có đã tiêm gần một nửa số mũi tiêm nhắc lại so với tổng số vắc xin được tiêm ở các quốc gia nghèo hơn.
WHO đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40% dân số mỗi quốc gia với ít nhất một liều vào cuối năm 2021, nhưng các quan chức cảnh báo rằng tại 82 quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ không hoàn thành được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.
Trong diễn biến khác, ngày 22/10, các quan chức y tế Anh cho biết đang chính thức nghiên cứu biến thể AY.4.2 - một biến thể của chủng Delta, sau khi biến thể phụ này được ghi nhận trong số ca nhiễm ngày một gia tăng.
Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA) cho biết biến thể AY.4.2, vốn chiếm tỉ lệ 6% số ca nhiễm hồi tuần trước, được "đánh giá là một biến thể đang được nghiên cứu" nhưng chưa phải là một "biến thể đáng quan ngại”.
UKHSA nêu rõ: "Đánh giá được đưa ra dựa trên cơ sở rằng biến thể này ngày càng trở nên phổ biến ở Anh trong những tháng gần đây và có một số bằng chứng ban đầu cho thấy nó có thể có tỉ lệ gia tăng nhanh chóng ở Anh so với Delta. Cần có thêm bằng chứng để biết liệu điều này là do những thay đổi trong hành vi của virus hay do các điều kiện dịch tễ”.
UKHSA cho hay chủng Delta chiếm tỉ lệ lớn số ca mắc COVID-19 ở Anh với 99,8% tổng số trường hợp. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/10, đã có 15.120 trường hợp nhiễm biến thể AY.4.2, biến thể lần đầu tiên được phát hiện vào tháng 7, khi các hạn chế về COVID-19 được dỡ bỏ trên toàn quốc. UKHSA nhấn mạnh: "Trong khi các bằng chứng vẫn đang xuất hiện, cho đến nay vẫn chưa thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin đang được triển khai kém hiệu quả hơn".
Trong khi đó, Nga và Ukraine, hai quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng COVID-19 thấp tại châu Âu, đều đang trải qua làn sóng dịch nghiêm trọng chưa từng thấy, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng lên các mức cao mới trong những ngày qua.
Cụ thể, ngày 22/10 là ngày thứ 4 liên tiếp Nga ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 trong một ngày tăng lên mức cao chưa từng thấy, với 1.064 ca. Đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc mới lập kỷ lục, với 37.141 ca. Hiện, Nga ghi nhận tổng cộng hơn 8,16 triệu ca, trong đó có hơn 228.400 ca tử vong.
Tình hình dịch bệnh diễn biến xấu đi khi vẫn còn khoảng một tuần nữa biện pháp đóng cửa các cơ quan công sở trên cả nước theo chỉ thị của Tổng thống Vladimir Putin mới có hiệu lực. Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định quyết định của Tổng thống Putin về việc áp dụng biện pháp mới từ ngày 30/10-7/11 sẽ tạo cơ hội để bẻ gãy chuỗi lây nhiễm virus hiện nay. Tuy nhiên, quan chức này cũng thừa nhận tình hình dịch bệnh COVID-19 đang "đặc biệt khó khăn”.
Ông Peskov cũng cho biết hiện Chính phủ Nga chưa xem xét các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhưng với tình hình hiện nay, "không ai chắc chắn biểu đồ dịch bệnh sẽ diễn biến thế nào”. Ông cũng không loại trừ khả năng các biện pháp khác sẽ tiếp tục được triển khai sau ngày 7/11 nếu cần thiết đồng thời tái khẳng định tình hình diễn biến xấu do ý thức đi tiêm phòng của người dân chưa cao.
Theo người phát ngôn này, chương trình tiêm phòng tại Nga diễn ra chậm trễ hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu. Trên thực tế, trong khi ngày càng ít người đi tiêm phòng thì lại có ngày càng nhiều người nhiễm virus, đặc biệt là khi các biến thể mới nguy hiểm hơn của virus xuất hiện.
Tổng thống Putin cũng cho phép chính quyền các địa phương tự quyết các biện pháp hạn chế bổ sung tùy theo tình hình từng nơi. Thủ đô Moscow đã yêu cầu những người dân trên 60 tuổi ở nhà 4 tháng nếu chưa được tiêm phòng và áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ ngày 28/10, theo đó chỉ có các cửa hàng bán đồ thiết yếu như siêu thị và nhà thuốc mới được hoạt động.
Tại Ukraine, sau thời gian lắng dịu trong mùa hè, tình hình dịch COVID-19 lại căng thẳng với số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Nhiều trường học tại các điểm nóng dịch bệnh đã phải đóng cửa từ ngày 22/10 và đây cũng là ngày Ukraine ghi nhận thêm một kỷ lục mới về số ca tử vong, với 614 ca trong 24 giờ qua.
Cụ thể, các trường học ở thủ đô Kiev bắt đầu đóng cửa trong 2 tuần trong khi các trường học ở những vùng đỏ (có tỉ lệ lây nhiễm cao) cũng chỉ được phép mở cửa trở lại nếu tất cả các giáo viên trong trường đều được tiêm phòng đầy đủ.
Hiện, nguồn cung vắc xin và tỉ lệ bao phủ tiêm chủng tại Ukraine đang thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia châu Âu. Đến nay, mới chỉ có 6,8 triệu trong tổng số 41 triệu người dân được tiêm phòng đầy đủ.
Các quốc gia ở Đông Âu là những nơi ghi nhận tỉ lệ tiêm phòng thấp nhất trên toàn châu lục. Một số quốc gia trong nhóm này đã chứng kiến làn sóng lây nhiễm mới nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, trong đó có nước ghi nhận tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới trong những ngày gần đây.
Nhằm thúc đẩy tiêm phòng, Ukraine đã yêu cầu các nhân viên chính phủ phải tiêm vắc xin, những người dân chưa tiêm sẽ gặp phải một số hạn chế khi tới nhà hàng, địa điểm thể thao và các sự kiện công cộng.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Lyashko cho biết quốc gia này đã nhận khoảng 25 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và dự kiến nhận thêm 16 triệu liều vào cuối năm nay.
Ngoài ra, chính phủ cũng đã đảm bảo một số nguồn cung oxy bổ sung từ các quốc gia láng giềng như Ba Lan. Nhiều địa điểm tiêm chủng mới cũng được thiết lập, bao gồm cả các địa điểm ở các ga tàu. Đến nay, Ukraine ghi nhận tổng cộng khoảng 2,72 triệu ca mắc, trong đó có 63.003 ca tử vong./.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 22/10 thông báo nước này sẽ cho phép lao động nước ngoài quay trở lại làm việc sau gần 16 tháng gián đoạn do đại dịch COVID-19, cũng như cho phép một số du khách quay trở lại hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi.
Theo Thủ tướng Ismail, Ủy ban đặc biệt về quản lý đại dịch đã nhất trí để người lao động nước ngoài vào làm việc tại Malaysia, đáp ứng nhu cầu của một số ngành, trong đó có các đồn điền dầu cọ và sản xuất găng tay cao su. Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của Malaysia phụ thuộc chủ yếu vào khoảng 2 triệu lao động nước ngoài.
Trong khi đó, ngành sản xuất găng tay cao su cũng đã đề nghị chính phủ cho phép lao động nhập cư trở lại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong năm nay và năm sau. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 11 tới, Malaysia cũng sẽ cho phép một số du khách quốc tế đến hòn đảo nghỉ dưỡng Langkawi. Đây là lần đầu tiên Malaysia mở cửa biên giới với du khách nước ngoài kể từ khi đại dịch bùng phát.
Cùng ngày, đài truyền hình nhà nước Iran đưa tin các tín đồ Hồi giáo của nước này đã được phép tham gia lễ cầu nguyện thứ 6 tại thủ đô Tehran sau gần 20 tháng do đại dịch COVID-19. Những người tham gia cầu nguyện phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang.
Theo kế hoạch, từ ngày 23/10, các trường học có dưới 300 học sinh sẽ được mở cửa trở lại và nhân viên chính phủ, trừ lực lượng vũ trang, sẽ không được phép đi làm nếu chưa tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Kể từ ngày 6/11, các trường có hơn 300 học sinh sẽ mở cửa trở lại. Thống kê cho thấy COVID-19 đã khiến hơn 5,8 triệu người dân Iran mắc bệnh, trong đó có 124.928 người không qua khỏi.
Đến nay, hơn 28,2 triệu người ở quốc gia Trung Đông này đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Tuy nhiên, đầu tuần này, Bộ trưởng Y tế Iran Bahram Einollah cảnh báo nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 6 dịch COVID-19 tấn công nước này.
Ngày 22/10, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) cho biết loại vắc xin ngừa COVID-19 do hãng này phối hợp sản xuất cùng hãng dược phẩm BioNTech (Đức) có hiệu quả 90,7% chống lại virus SARS-CoV-2 ở trẻ em từ 5-11 tuổi.
Trong báo cáo thử nghiệm lâm sàng gửi tới Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Pfizer cho biết 16 trẻ em được tiêm giả dược đã mắc COVID-19, trong khi chỉ có 3 trẻ tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech bị mắc bệnh.
Trong số 2.268 trẻ em tham gia thử nghiệm, số trẻ được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech nhiều gấp đôi so với số trẻ được tiêm giả dược. Do đó, hiệu quả phòng COVID-19 của vắc xin này đối với trẻ em được tính là hơn 90%.
Theo kế hoạch, các cố vấn của FDA sẽ họp trong ngày 26/10 tới để bỏ phiếu về việc có nên khuyến nghị cơ quan này phê chuẩn sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech cho nhóm trẻ em từ 5-11 tuổi hay không. Trong trường hợp FDA cho phép tiêm vắc xin này cho trẻ em từ 5-11 tuổi, nhóm cố vấn sẽ tiếp tục họp trong hai ngày 2 và 3/11 để đưa ra các khuyến nghị về cách thức tiêm phòng.
Cũng trong ngày 22/10, Cố vấn y tế của Nhà Trắng Anthony Fauci cho biết Mỹ có thể triển khai tiêm liều tăng cường bằng vắc xin khác so với loại đã tiêm trước đó, song vẫn khuyến nghị chỉ sử dụng 1 loại vắc xin trong các mũi tiêm nếu có đủ vắc xin.
Tại Mỹ, vắc xin ngừa COVID-19 do Pfizer/BioNTech bào chế hiện được sử dụng cho người từ 12 tuổi trở lên. Khoảng 190 triệu người ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, trong đó có hơn 11 triệu người từ 12-17 tuổi đã được tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech.
H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)