Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên toàn thế giới có khoảng 135 triệu nhân viên y tế và hiện có hàng triệu người trong số này chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Trong một thông báo phát đi ngày 21/10, WHO cho biết, tính đến tháng 5/2021, có khoảng 80.000-180.000 nhân viên y tế đã thiệt mạng vì dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1/2020-5/2021, đồng thời nhấn mạnh cần ưu tiên tiêm chủng cho nhóm đối tượng này.
Nhấn mạnh thực trạng hàng triệu nhân viên y tế chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng này. Ông cũng phê phán tình trạng bất công trong tiếp cận vắc xin.
Ông Ghebreyesus dẫn số liệu từ 119 quốc gia cho thấy tính trung bình trên toàn thế giới cứ 5 nhân viên y tế thì 2 người đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đây là con số trung bình, trên thực tế có những sự chênh lệch giữa các nước và khu vực.
Theo Tổng Giám đốc WHO, chưa đến 1/10 số nhân viên y tế tại châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, trong khi tỉ lệ này tại các nước thu nhập cao lên tới hơn 80%. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy tại các quốc gia thu nhập cao, tỉ lệ tiêm chủng là 133 mũi tiêm/100 người dân, so với chỉ 5 mũi tiêm/100 dân ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất.
Ngoài vấn đề tiêm chủng, bà Annette Kennedy, Chủ tịch Hội đồng điều dưỡng quốc tế (ICN) dự báo ít nhất khoảng 10% nhân lực sẽ rút khỏi ngành y do tình trạng quá tải, suy kiệt cả về thể xác lẫn tinh thần.
Đại sứ của WHO về vấn đề tài chính y tế toàn cầu, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown nhận định rằng Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra vào 30-31/10 tới tại Rome (Italy), sẽ là một điểm mấu chốt trong cuộc chiến chống đại dịch.
Trong dự báo mới đây nhất, WHO cảnh báo nguy cơ sẽ có thêm 200 triệu ca mắc mới, trong đó 5 triệu ca có nguy cơ tử vong.
Trong diễn biến khác, ngày 22/10, New Zealand đã công bố lộ trình dỡ bỏ lệnh phong tỏa gắn với mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm chủng tham vọng nhất thế giới là 90% dân số đủ điều kiện tiêm chủng.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết chính phủ không thể yêu cầu những người đã tiêm chủng phải ở nhà mãi. Vì vậy, cần có một cơ chế mới để bảo vệ cuộc sống của người dân.Bà Ardern thông báo khi 90% người dân đủ điều kiện (từ 12 tuổi trở lên) được tiêm chủng đầy đủ trên cả nước, New Zealand sẽ chuyển sang áp dụng cơ chế“đèn giao thông”.
Ngay cả khi đèn đỏ, mức hạn chế cao nhất nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, các doanh nghiệp vẫn có thể mở cửa và những người được tiêm chủng đầy đủ sẽ vẫn có thể sử dụng các dịch vụ một cách tương đối tự do.
Tuy nhiên, những người không có giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt như chỉ được mua hàng mang đi, không được tụ họp quá 10 người, sinh viên đại học phải học từ xa, và không được tới các cơ sở dịch vụ như phòng tập thể dục, tiệm làm tóc hoặc quán bar.
Bà Ardern nhấn mạnh hệ thống này sẽ giảm thiểu mối đe dọa của đại dịch, hiện đang lây lan chủ yếu ở những người chưa được tiêm phòng, và tạo cơ sở chắc chắn hơn cho các doanh nghiệp lên kế hoạch hoạt động và phát triển.
Hiện New Zealand, với tổng dân số hơn 5 triệu người, cần một thời gian nữa để đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ 90%. Tính đến ngày 21/10, 83% dân số đủ điều kiện đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, trong đó 66% đã được tiêm 2 mũi.
Chính phủ New Zealand bày tỏ tin tưởng các thành phố lớn như Auckland, vốn bị phong tỏa trong vài tháng qua, có thể đạt được tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ 90% trước Giáng sinh năm nay.
Ngày 21/10, New Zealand ghi nhận 129 ca mắc mới, mức cao nhất hằng ngày kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)