Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ ngày 22/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 243.242.539 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.944.748 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 220.432.916 người.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận 460.828 ca mắc mới và 7.183 ca tử vong. Mỹ có số ca mắc và tử vong mới cao nhất, lần lượt là 80.497 ca và 1.420 ca. Anh có số ca nhiễm mới cao thứ hai với 52.009 ca và số ca tử vong là 115 ca.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 21/10 kêu gọi những người đủ điều kiện tiêm mũi vắc xin tăng cường cần đặt lịch tiêm ngay lập tức trong bối cảnh các ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng tại nước này.
Phát biểu tại Bắc Ireland, Thủ tướng Johnson khẳng định Chính phủ vẫn tin tưởng vào kế hoạch đang được thực hiện bởi tình hình hiện tại tốt hơn nhiều so với năm ngoái nhờ vào chương trình tiêm chủng. Ông nhấn mạnh điều quan trọng nhất mà người dân cần làm hiện nay là thực hiện tiêm mũi vắc xin thứ 3 ngay khi được cơ quan y tế thông báo, đồng thời kêu gọi trẻ em từ 12 đến 15 tuổi đi tiêm bởi nguồn cung vắc xin không thiếu.
Thủ tướng Johnson khẳng định số ca mắc và tử vong do COVID-19 hiện nay nằm trong dự đoán dựa trên cơ sở kế hoạch Chính phủ đã thực hiện.Số ca mắc COVID-19 ở Anh đã vượt 40.000 ca/ngày trong 8 ngày liên tiếp, với hơn 52.000 ca được ghi nhận vào ngày 21/10.
Ông Johnson đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh các bác sĩ đang kêu gọi Chính phủ kích hoạt "Kế hoạch B" - kế hoạch ứng phó với COVID-19 của Chính phủ Anh trong trường hợp các ca mắc gia tăng. Kế hoạch này bao gồm yêu cầu đeo khẩu trang tại một số nơi, áp dụng hộ chiếu vắc xin tại các hộp đêm và các sự kiện đông người, và khuyến nghị làm việc tại nhà.
Theo Hiệp hội Y khoa Anh (BMA), các biện pháp này cần được thực hiện ngay lập tức. Chính phủ Anh hiện đang áp dụng "Kế hoạch A," theo đó khoảng 30 triệu người sẽ được tiêm mũi vắc xin tăng cường, đồng thời triển khai tiêm 1 mũi vắc xin duy nhất cho trẻ em khỏe mạnh từ 12 đến 15 tuổi. Kế hoạch này cũng khuyến khích người dân rửa tay, và đeo khẩu trang ở nơi đông người, và đảm bảo thông gió tại những sự kiện tổ chức trong nhà.
Chủ tịch BMA, Tiến sĩ Chaand Nagpaul, cho rằng giờ là lúc để bắt đầu Kế hoạch B, chỉ ra rằng số ca mắc hiện nay có thể so sánh với thời điểm tháng 3 năm ngoái khi Anh phải áp lệnh phong tỏa, và hiện cũng chưa có quốc gia châu Âu nào ghi nhận con số cao tương tự.
Ông cho rằng thật đáng lo ngại khi Bộ Y tế không sẵn sàng hành động ngay lập tức để cứu nhiều mạng sống và bảo vệ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 20/10 cho biết tại thời điểm hiện tại chính phủ sẽ không áp dụng các biện pháp trong Kế hoạch B. Song ông cũng cảnh báo các biện pháp hạn chế nhiều khả năng có thể được áp dụng tại vùng England do tỉ lệ tiêm vắc xin chưa đủ cao.
Hà Lan ngày 21/10 ghi nhận 5.223 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất trong 3 tháng qua. Theo Viện Y tế công cộng và Môi trường quốc gia Hà Lan (RIVM), trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 7 người tử vong vì COVID-19.
Dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng tại Hà Lan, trong tuần tính đến ngày 19/10, nước này ghi nhận tổng cộng 25.751 ca nhiễm mới, tăng 44% so với tuần trước đó. Số ca nhiễm mới xuất hiện ở tất cả các khu vực và nhóm đối tượng.
RIVM cho rằng làn sóng lây nhiễm mới hiện nay tại Hà Lan xảy ra là do nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn dịch bệnh và tác động của thời tiết. Hầu hết những ca phải nhập viện là những người chưa tiêm vắc xin.
Bỉ cũng đang đối mặt với tình trạng số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng khiến các chính trị gia nước này phải cân nhắc về tính hiệu quả của vắc xin và việc tăng cường áp dụng các biện pháp giãn cách để tránh làn sóng nhập viện.
Tuy nhiên, giới chức Bỉ khẳng định không có bất kỳ một chiến lược "Zero COVID" nào ở cấp độ chính trị; tham vọng chung vẫn là "sống chung" với loại virus gây bệnh này, chứ không phải đóng cửa toàn bộ các bộ phận của xã hội.
Do đó, chính phủ vẫn đang tập trung cho công tác tiêm chủng đại trà nhằm ngăn chặn làn sóng nhiễm bệnh chuyển thành làn sóng nhập viện điều trị tích cực. Bộ trưởng Y tế Frank Vandenbroucke cho rằng các biện pháp cần áp dụng là tiếp tục đeo khẩu trang trong không gian kín, thông gió tối đa, giãn cách, làm việc từ xa...
Tóm lại, áp dụng tất cả các biện pháp đã được sử dụng, cùng một số biện pháp mới như xét nghiệm đối với trẻ em để tránh lây nhiễm từ đối tượng này cho người thân trong gia đình. Theo các chuyên gia, Bỉ đang đối mặt với làn sóng dịch thứ 4, riêng ngày 18/10 nước này ghi nhận 6.466 ca mắc mới.
Các quốc gia ở Đông Âu như Romania, Bulgaria, Litva, Latvia, Estonia, Slovakia, cũng ghi nhận nhiều ca nhiễm mới trong những ngày gần đây, buộc chính phủ những nước này phải đưa ra các biện pháp hạn chế để phòng ngừa dịch bệnh.
Trong khi đó, Canada công bố chuẩn hóa chứng nhận tiêm chủng cho hoạt động đi lại quốc tế. Chứng nhận được tiêu chuẩn hóa bao gồm tên, ngày sinh của người được chứng nhận, số liều vắc xin đã tiêm, loại vắc xin, số lô, ngày tiêm chủng và mã QR lịch sử tiêm chủng.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 21/10 cho biết ông "rất tin tưởng" các nước trên thế giới sẽ chấp nhận chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Canada. Các quan chức chính phủ cho biết họ đã làm việc với các tỉnh để đưa ra một "định dạng" trên toàn quốc và tin tưởng sẽ được chấp nhận rộng rãi. Ottawa cũng đang làm việc với các quốc gia khác để đảm bảo sự chấp nhận ở nước ngoài.
Nhà Trắng ngày 21/10 đã kêu gọi mọi thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19. Phát biểu trước báo giới, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị mọi thành viên của WTO thúc đẩy và ủng hộ từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin ngừa COVID-19 và mọi công ty cần phải hành động một cách khẩn trương và đầy tham vọng nhằm mở rộng sản xuất vắc xin ngay từ bây giờ”.
Cùng với việc được nhiều quốc gia ủng hộ, ý tưởng này trên đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các “ông lớn” trong ngành dược phẩm và các quốc gia sở tại của các công ty này với lập luận rằng bằng sáng chế không phải là rào cản chính đối với nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và cảnh báo động thái này có thể cản trở sự đổi mới.
Trong diễn biến khác, ngày 21/10, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) thông báo việc tiêm mũi tăng cường sử dụng vắc xin phòng COVID-19 mà 2 hãng phối hợp phát triển cho hiệu quả cao trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.
Đặc biệt, việc tiêm mũi tăng cường vắc xin này cho hiệu quả bảo vệ cao trước biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, biến thể lây lan nhanh và nguy hiểm vốn đang gây nhiều thách thức cho cuộc chiến chống COIVD-19 toàn cầu.
Theo thông báo, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III được thực hiện với 10.000 người từ 16 tuổi trở lên trong giai đoạn mà biến thể Delta hoành hành mạnh. Các dữ liệu cho thấy việc tiêm mũi tăng cường vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech cho hiệu quả bảo vệ lên tới 95,6%.
Các dữ liệu về tính an toàn khi tiêm mũi tăng cường vắc xin này cũng rất khả quan. Pfizer cho biết trong thử nghiệm lâm sàng, khoảng cách trung bình giữa mũi 2 và mũi tăng cường là 11 tháng.
Trong khi nhóm được tiêm mũi tăng cường vắc xin của Pfizer/BioNTech chỉ ghi nhận 5 ca bệnh thì nhóm tiêm giả dược ghi nhận 109 ca bệnh. Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla khẳng định những kết quả trên tiếp tục cung cấp bằng chứng cho thấy lợi ích của việc tiêm mũi tăng cường trong bảo vệ con người trước dịch COVID-19.
Trong thử nghiệm lâm sàng, trung bình độ tuổi của người tham gia là 53 tuổi, trong đó 55,5% người tham gia là từ 16-55 tuổi và 23,2% là người từ 65 tuổi trở lên.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)