Mặc dù khống chế được các đợt dịch COVID-19 nhưng thời gian qua, hệ thống phòng chống dịch bệnh ở Nhật Bản vẫn bộc lộ không ít điểm yếu, nhất là trong hệ thống y tế.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế cảnh báo khả năng nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới khi mùa đông đang tới gần và nhiều biến thể nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 như Delta, Lambda, Mu và Eta đã xâm nhập vào Nhật Bản.
Do vậy, khắc phục các điểm yếu đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách đối với chính quyền của tân Thủ tướng Fumio Kishida.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Nhật Bản là nước có tỉ lệ giường bệnh/đầu người cao nhất trong số các nước thuộc Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).
Cụ thể, tỉ lệ giường bệnh/1.000 dân ở Nhật Bản là 12,8, trong khi con số này ở Đức là 7,9, ở Mỹ là 2,8, ở Canada là 2,5 và ở Anh là 2,4. Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong làn sóng lây nhiễm thứ năm, có tới hơn 130.000 bệnh nhân COVID-19 đã không được nhập viện do thiếu giường bệnh, trong đó không ít người đã tử vong do không được chữa trị kịp thời.
Để khắc phục tình trạng này và chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới, ngày 15/10, Chính phủ Nhật Bản đã công bố bản đề cương kế hoạch mới để thích ứng với dịch COVID-19, trong đó cam kết chuẩn bị hạ tầng y tế để đảm bảo ứng phó với làn sóng lây nhiễm khác tồi tệ hơn làn sóng thứ năm.
Theo kế hoạch này, chính phủ sẽ củng cố hệ thống y tế để tăng năng lực tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 của các bệnh viện thêm 20% so với thời điểm xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ năm.
Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ bố trí khoảng 80% giường ở các bệnh viện để dành cho các bệnh nhân COVID-19 và yêu cầu các bệnh viện công lập phải bố trí thêm giường bệnh cho các đối tượng này.
Phát biểu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ửng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, Thủ tướng Fumio Kishida nói: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới bằng cách xem xét kịch bản tồi tệ nhất".
Bên cạnh đó, Thủ tướng Kishida cũng cho biết ông có thể sẽ yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp hạn chế hoạt động nghiêm ngặt nếu Nhật Bản phải chứng kiến sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm mới.
Cùng với việc củng cố hệ thống y tế, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu hoàn thành tiêm vắc xin COVID-19 cho tất cả những người đủ điều kiện tiêm chủng muộn nhất là vào đầu tháng 11 và bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin bổ sung cho người dân từ tháng 12.
Phát biểu tại một phiên họp của quốc hội hôm 12/10, Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ dự định sẽ bắt đầu triển khai tiêm mũi vắc xin phòng COVID-19 thứ ba vào tháng 12 và sẽ chi trả toàn bộ chi phí tiêm phòng cho người dân.
Trước đó, trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền vào cuối tháng trước, Thủ tướng Kishida đã kêu gọi thiết lập cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một tháp chỉ huy, đồng thời nhấn mạnh sự hợp tác của công chúng trong cuộc chiến chống dịch bệnh này.
Ông cũng cho biết sẽ tạo lập môi trường để ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống y tế và đặt mục tiêu “khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội tới gần mức bình thường càng sớm, càng tốt".
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “xem xét nghiêm túc hệ thống phong tỏa theo kiểu Nhật Bản, có sự kết hợp giữa giấy chứng nhận tiêm vắc xin và chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2".
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đưa thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược phẩm Merk (Mỹ) vào danh mục các loại thuốc điều trị COVID-19 từ cuối năm nay.
Trước đó, tháng Tám vừa qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã cho phép sử dụng hỗn hợp kháng thể đơn dòng Ronapreve để chữa trị cho các bệnh nhân COVID-19 ngoại trú tại một số cơ sở y tế giới hạn.
Bộ này hy vọng cùng với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, việc sử dụng các loại thuốc chữa COVID-19 sẽ giúp hạn chế số bệnh nhân nguy kịch ngay cả khi số ca mắc mới tăng gấp đôi so với số ca mắc mới trong mùa Hè qua.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn bất cứ làn sóng lây nhiễm nào vẫn là người dân phải tiếp tục tuân thủ triệt để các quy định phòng dịch.
Ông Tateda Kazuhiro, Giáo sư Đại học Toho, nói: “Trong bối cảnh mùa Thu và mùa Đông đang tới, số ca mắc mới có thể sẽ gia tăng trở lại do các nhân tố mùa vụ… Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho dù họ đã tiêm phòng hay chưa tiêm phòng".
Song song với việc chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới, Nhật Bản đang nỗ lực nối lại các hoạt động kinh tế-xã hội. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ dỡ bỏ hoàn toàn quy định yêu cầu các nhà hàng và quán bar rút ngắn thời gian hoạt động kể từ tháng 11.
Ngày 17/10, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Daishiro Yamagiwa tuyên bố: “Chúng tôi sẽ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động (của nhà hàng và quán bar) nếu số ca mắc mới không tăng trở lại".
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ triển khai chương trình thí điểm sử dụng giấy chứng nhận tiêm vắc xin phòng COVID-19 và chứng chỉ xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 ở các cơ sở kinh doanh ăn uống tại các tỉnh Kyoto, Hokkaido và Fukuoka.
Theo chương trình này, những người xuất trình các chứng nhận trên sẽ được dùng bữa theo nhóm đông người hơn tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, và ngược lại, các cơ sở kinh doanh ăn uống cũng được phép đóng cửa muộn hơn.
Ngoài ra, trong nỗ lực mở cửa nền kinh tế, theo Bộ trưởng Yamagiwa, Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ nới lỏng hơn nữa quy định cách ly bắt buộc đối với những người có chứng chỉ tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhập cảnh vào nước này.
Nói tóm lại, việc nối lại các hoạt động kinh tế - xã hội và mở cửa nền kinh tế có thể sẽ làm gia tăng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh.
Tuy nhiên, nhiều người tin tưởng rằng với sự chuẩn bị chu đáo của Chính phủ Nhật Bản cùng ý thức tự giác của người dân trong việc tuân thủ quy định phòng chống COVID-19, nước này sẽ lại thành công trong việc khống chế các làn sóng lây nhiễm khác trong tương lai.
Theo TTXVN/Vietnam+