* Canada: Các nghị sĩ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được đi làm
Hàng nghìn lao động chưa tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở Mỹ đang đối diện với khả năng mất việc khi ngày càng nhiều bang, thành phố và công ty bắt đầu thực hiện quy định bắt buộc tiêm chủng phòng COVID-19.
Một ví dụ điển hình mới đây, trường Đại học bang Washington (WSU) ngày 18/10 đã sa thải huấn luyện viên trưởng môn bóng đá và bốn trợ lý, vì họ không tuân thủ yêu cầu tiêm chủng vắc xin của bang.
Hàng nghìn cảnh sát và cứu hỏa tại nhiều thành phố như Chicago và Baltimore, cũng có nguy cơ mất việc trong những ngày tới theo lệnh yêu cầu họ báo cáo tình trạng tiêm chủng hoặc đi xét nghiệm COVID-19 thường xuyên.
Trong khi việc tiêm chủng vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi, yêu cầu tiêm chủng đã có hiệu quả trong việc thuyết phục nhiều người lao động do dự tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Dịch COVID-19 đã khiến hơn 700.000 người ở Mỹ tử vong.
Cuối tuần qua, điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết hơn 77% người dân Mỹ đủ điều kiện đã tiêm ít nhất một liều vắc xin.
Quyết định yêu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 nhằm giảm số ca nhập viện và tử vong sau đợt gia tăng số ca nhiễm biến thể Delta dễ lây lan của virus SARS-CoV-2 của Nhà Trắng là yếu tố chính thúc đẩy tốc độ tiêm chủng.
Làn sóng sa thải nhân viên đã ảnh hưởng tới ngành y tế và chăm sóc sức khỏe. Nhiều y tá và nhân viên chăm sóc sức khỏe đã chọn nghỉ việc thay vì tiêm chủng gần đây.
Tại Canada, từ cuối tháng 11 tới, để được phép vào trụ sở Hạ viện làm việc, các nghị sĩ bắt buộc phải tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ. Trong thông báo ngày 19/10, Chủ tịch Hạ viện Canada, Anthony Rota cho biết quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 22/11/2021.
Yêu cầu mới sẽ áp dụng cho các thành viên Hạ viện, nhân viên văn phòng, nhà báo và một số đối tượng liên quan. Theo Chủ tịch Hạ viện Rota, những người không thể tiêm vắc xin vì lý do y tế sẽ phải trình giấy xét nghiệm COVID-19 có kết quả âm tính.
Ngoài ra, lệnh cấm khách tham quan và yêu cầu đeo khẩu trang trong phạm vi trụ sở Quốc hội Canada được gia hạn đến tháng 1/2022.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)