Ngày 13/10, quân đội Iran tuyên bố đã thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm bảo vệ các địa điểm trọng yếu ở miền trung nước này.
Hãng tin Fars dẫn lời Chuẩn tướng Amir Qader Rahimzadeh, chỉ huy căn cứ không quân Hazrat Khatam al-Anbiya ở tỉnh Semnan nhấn mạnh Iran đã chuẩn bị một hệ thống phòng thủ đa tầng "hoàn hảo" để bảo vệ các cơ sở trọng yếu và nhạy cảm.
Hệ thống phòng không mới đã được thử nghiệm thành công trong cuộc tập trận Người bảo vệ bầu trời Velayat 1400 diễn ra từ hôm 12/10 vừa qua, theo đó đã đánh chặn hiệu quả nhiều mục tiêu.
Cuộc tập trận do quân đội Iran và các đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành tại vùng sa mạc rộng lớn ở miền Trung nước này. Cuộc tập trận nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và đánh giá hiệu quả của các hệ thống phòng không do Iran phát triển.
Miền trung Iran là nơi đặt các cơ sở hạt nhân, trong đó có cơ sở Natanz làm giàu urani.
Động thái trên của Iran diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Israel thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Tehran, trong khi phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) dự kiến đến Iran ngày 14/10 nhằm tìm cách nối lại tiến trình đàm phán hạt nhân tại Vienna, Áo.
Ngày 13/10, phát biểu tại buổi họp báo chung sau cuộc gặp ba bên với những người đồng cấp Mỹ Antony Blinken và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed bin Sultan Al Nahyan, Ngoại trưởng Israel Yair Lapid nhấn mạnh Israel "không chấp nhận việc Iran trở thành một cường quốc hạt nhân" và "các lựa chọn khác" sẽ được thảo luận nếu biện pháp ngoại giao thất bại.
Ngoại trưởng Mỹ Blinken cũng tuyên bố "sẽ xem xét mọi phương án đối phó với các thách thức mà Iran đặt ra”. Tuy nhiên, ông Blinken bày tỏ hy vọng tiến trình đàm phán với Tehran sẽ thành công, đồng thời nhấn mạnh “không còn nhiều thời gian” để Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong khi đó, đặc phái viên của EU điều phối vấn đề Iran, ông Enrique Mora dự kiến tới Tehran trong ngày 14/10. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh EU cũng như Mỹ tăng cường nỗ lực thúc đẩy nối lại đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Theo thỏa thuận ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Các bên đang thúc đẩy đàm phán cứu vãn thỏa thuận này.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng 6 vừa qua do sự thay đổi lãnh đạo ở Iran. Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã nhấn mạnh "không thể tiếp tục đàm phán vô thời hạn".
Theo TTXVN/Vietnam+