* 2 mũi tiêm Pfizer/BioNTech có hiệu quả cao trong vòng 6 tháng
Tỉ lệ tử vong do mắc COVID-19 hằng tuần của thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua.
Theo dữ liệu thống kê của hãng tin AFP, trong tuần từ ngày 27/9 đến 3/10, thế giới đã ghi nhận 53.245 ca tử vong do mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày có 7.606 ca. Đây là mức thấp nhất kể từ tuần bắt đầu từ ngày 31/10. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm vào cuối tháng 8, sau khi lên tới khoảng 10.000 ca tử vong/ngày.
Cũng theo AFP, trong bối cảnh chương trình tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại nhiều nước đạt tiến triển, số ca tử vong do mắc COVID-19 trong tháng trước đã giảm 25%. Một năm sau các làn sóng lây nhiễm COVID-19, đặc biệt liên quan tới sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, số ca mắc mới cũng đã giảm hơn 33% so với cuối tháng 8.
Hiện cứ 100 người trên thế giới, có gần 81 liều vắc xin ngừa COVID-19 được sử dụng. Giới chức các nước hy vọng tình hình dịch bệnh thế giới sẽ duy trì đà giảm này, cho dù vẫn có sự chênh lệch lớn về tỉ lệ tiêm chủng giữa các khu vực.
Trên thực tế, tại Bắc Mỹ, cứ 100 người có 123 liều vắc xin được tiêm, trong khi con số này tại châu Phi chỉ là 11 liều. 50% số nước tại châu Phi đang nỗ lực để có thể tiêm đầy đủ vắc xin ngừa COVID-19 chỉ cho khoảng 2% dân số.
Kể từ khi trường hợp đầu tiên nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Trung Quốc hồi cuối năm 2019, đến nay virus này đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,8 triệu người trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nếu tính tỉ lệ tử vong trực tiếp và gián tiếp do COVID-19 gây ra, tổng số ca tử vong có thể cao gấp 2 hoặc 3 lần so với con số thống kê chính thức.
Trong diễn biến khác, việc tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho thấy hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa khả năng mắc bệnh nặng trong vòng ít nhất 6 tháng. Đây là kết quả nghiên cứu đối với những bệnh nhân COVID-19 tại Mỹ và được công bố trên tạp chí The Lancet số ra ngày 4/10.
Nếu những dữ liệu trong thử nghiệm lâm sàng trước đây cho thấy vắc xin của Pfizer/BioNTech có thể phòng ngừa khả năng người bệnh phải nhập viện, kết quả nghiên cứu mới nói trên phản ánh thời gian bảo vệ hiệu quả của vắc xin trên thực tế.
Hãng Pfizer và cơ sở chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente đã phân tích hồ sơ của 3,4 triệu người dân ở phía nam California, trong đó hơn 30% đã được tiêm chủng đầy đủ từ tháng 12/2020 đến tháng 8/2021. Sau khoảng thời gian trung bình từ 3-4 tháng, với những người đã tiêm phòng đủ liều, vắc xin có hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh là 73% và nguy cơ nhập viện là 90%.
Tuy nhiên, trong khi khả năng bảo vệ trước biến thể Delta giảm 40% sau 5 tháng, khả năng phòng ngừa nguy cơ nhập viện đối với tất cả các biến thể khác vẫn ở mức rất cao trong suốt thời gian nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu trên cũng tương tự như những dữ liệu ban đầu mà cơ quan y tế Mỹ và Israel đưa ra trước đó, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc theo dõi, đánh giá hiệu quả vắc xin theo thời gian.
Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra tháng Chín vừa qua cho thấy các loại vắc xin phòng COVID-19 hiện nay đủ hiệu quả để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh nặng, do đó các nước chưa cần tiêm liều thứ 3 cho người dân nói chung.
WHO cũng kêu gọi các nước tạm hoãn việc tiêm liều bổ sung cho đến cuối năm nay để giải quyết tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng trong việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19 giữa những nước giàu và nghèo hơn.
Hiện một số quốc gia trên thế giới đang tiến hành tiêm chủng liều thứ 3 cho những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Trong tháng 8, cơ quan chức năng Mỹ đã cấp phép tiêm liều thứ 3 cho những người có hệ miễn dịch yếu, trong khi Pháp cho phép tiêm liều bổ sung cho những người cao tuổi.
Trong khi đó, với những người mắc COVID-19 sau khi đã tiêm một mũi vắc xin, lượng kháng thể không tăng lên và vẫn cần tiêm mũi thứ hai để đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Đây là kết quả nghiên cứu do Đại học Bar Ilan ở miền trung Israel phối hợp với Trung tâm Y tế Ziv (ZMC) ở miền bắc thực hiện và công bố trên tạp chí Epidemiology and Infection số ra gần đây.
Nhóm các nhà nghiên cứu Israel đã theo dõi 541 nhân viên y tế của ZMC, trong đó có một số người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19, để so sánh phản ứng với vắc xin giữa những người đã mắc bệnh và những người chưa từng mắc bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy những nhân viên y tế mắc bệnh trước khi tiêm mũi vắc xin đầu tiên có lượng kháng thể cao hơn nhiều những người tiêm đầy đủ vắc xin mà chưa từng nhiễm virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể ở những người mắc bệnh sau khi tiêm mũi đầu tiên lại không thay đổi. Nói cách khác, lượng kháng thể của những người đã tiêm một mũi vắc xin, dù sau đó có nhiễm bệnh hay không, là tương đương nhau.
Cũng theo nghiên cứu đối với các nhân viên y tế đã tiêm 1 mũi vắc xin, lượng kháng thể của người nhiễm bệnh sau khi tiêm ở ngày thứ 21 và 50 bằng với lượng kháng thể của những người chưa từng nhiễm, và thấp hơn những người mắc bệnh trước khi tiêm chủng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)