Số liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy hơn 6 tỉ liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm trên toàn thế giới kể từ khi đại dịch bùng phát.
Cột mốc quan trọng - tính đến đầu giờ chiều 25/9 (theo giờ Mỹ) này - được ghi dấu 1 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết khoảng 60 triệu người Mỹ đủ điều kiện để tiêm các mũi vắc xin tăng cường.
Ông kêu gọi những người Mỹ đủ điều kiện hãy đi tiêm mũi tăng cường, đồng thời cho biết bản thân cũng sẽ tiêm sớm nhất có thể. Tổng thống Mỹ cho biết thêm: "Giống như mũi tiêm thứ nhất và thứ hai, mũi tiêm tăng cường này miễn phí và dễ dàng tiếp cận”.
Đây là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ ở các cấp quốc tế cũng như từng quốc gia. Trên phạm vi quốc tế, hoạt động hợp tác, chia sẻ vắc xin, đặc biệt thông qua cơ chế toàn cầu COVAX, đang được thúc đẩy mạnh mẽ.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về COVID-19, diễn ra ngày 22/9 tại New York (Mỹ) nhân tuần lễ cấp cao Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Mỹ thông báo sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vắc xin nước này viện trợ cho quốc tế lên 1,1 tỉ liều.
Nhật Bản cũng cam kết sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19, qua đó nâng tổng số vắc xin viện trợ cho các nước lên 60 triệu liều. Ý tuyên bố cung cấp 45 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 trước cuối năm nay, gấp 3 lần cam kết ban đầu.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, các nhà lãnh đạo thế giới đặt mục tiêu tham vọng, theo đó đến thời điểm tổ chức khóa họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2022 sẽ có 70% dân số thế giới được tiêm vắc xin.
Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, thế giới chỉ có thể đạt được mục tiêu này nếu có ý chí chính trị và tinh thần hợp tác để có thể cùng nhau thích ứng an toàn với COVID-19.
* Bộ Y tế Iran ngày 26/9 công bố số liệu thống kê cho thấy hơn 50% dân số mục tiêu (trên 18 tuổi) ở nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, khi quốc gia Hồi giáo đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trên toàn quốc, một phần nhờ có nguồn vắc xin nhập khẩu dồi dào hơn.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực, số liệu thống kê mới nhất cho thấy hơn 35 triệu người (trong tổng dân số mục tiêu 60 người) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong khi tổng số vắc xin được tiêm đã vượt con số 50 triệu liều.
Cũng theo Bộ Y tế Iran, tính đến nay đã có 15.467.255 người được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi. Những tuần gần đây, trung bình 1 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19/ngày được tiêm cho người dân ở Iran.
Lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Seyyed Ali Khamenei nói rằng vắc xin nước ngoài được nhập khẩu vào Iran chỉ sau khi thế giới chứng kiến sự thành công của vắc xin do quốc gia Trung Đông này sản xuất trong nước. Iran là một trong số ít quốc gia Tây Á có khả năng phát triển và sản xuất vắc xin.
Iran đã phát triển một số loại vắc xin ngừa COVID-19, như COVIran Barekat, Razi COV-Pars, Noora và Fakhra...
Ông Kayhan Azadmanesh, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu virus học tại Viện Pasteur Iran ở Tehran, khẳng định rằng Iran sở hữu công nghệ và bí quyết sản xuất vắc xin.
Trả lời phỏng vấn tạp chí khoa học uy tín Nature hồi tháng trước, ông Azadmanesh nói rằng nhờ Iran có khả năng sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, "việc phát triển nhiều loại vắc xin khác nhau bằng cách sử dụng các chiến lược nghiên cứu và phát triển khác nhau rất có ý nghĩa".
Iran đã bắt đầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng sau khi Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm quyền. Việc cung cấp vắc xin và phòng chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của chính quyền mới.
Giữa lúc nền kinh tế vốn đã phải chịu nhiều sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ từ năm 2018 nay đang đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, chính quyền Tổng thống Raisi đã thúc đẩy một chương trình tiêm chủng quy mô lớn để chính phủ và các doanh nghiệp có thể trở lại trạng thái bình thường.
Ngày 26/9, Iran đã tiếp nhận lô vắc xin nhập khẩu thứ 57 của mình, trong đó có 6 triệu vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, đưa tổng số vắc xin nhập khẩu của nước này lên hơn 71 triệu liều.
Số ca nhập viện và tử vong liên quan đến COVID-19 đang có xu hướng giảm ở Iran - quốc gia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 5.
Theo Bộ Y tế Iran, nước này ghi nhận 13.792 ca mắc mới và 288 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Iran đã lên tới 119.360 người kể từ khi đại dịch bùng phát lần đầu tiên ở nước này vào đầu năm 2020.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc sẽ bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhắc lại (bổ sung) cho những người có nguy cơ cao, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên và nhân viên y tế, trong tương lai gần.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum đưa ra thông tin trên ngày 26/9 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 ở nước này gia tăng sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu.
Ông Kim Boo-kyum cũng lưu ý Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sẽ công bố kế hoạch tiêm chủng quý 4 trong ngày 27/9, bao gồm cả việc tiêm nhắc lại.
Ông cũng cho biết bắt đầu từ đầu tháng tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ rút ngắn khoảng cách giữa mũi vắc xin thứ nhất và mũi thứ hai để giúp tăng hơn nữa tỷ lệ những người được tiêm chủng đầy đủ.
Thủ tướng Hàn Quốc đã chỉ thị cho các quan chức đảm bảo rằng quy trình cho những người muốn rút ngắn khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm sẽ không gây nhầm lẫn hoặc bất tiện do sự thay đổi này. Ngoài ra, ông cho biết đối tượng tiêm chủng sẽ được mở rộng bao gồm cả thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai.
Nói về sự gia tăng số ca bệnh sau kỳ nghỉ Trung thu gần đây, ông Kim Boo-kyum cho biết tình trạng hiện tại là "rất nghiêm trọng".
Đề cập đến kế hoạch mà Chính phủ Hàn Quốc muốn bắt đầu thực hiện vào cuối tháng tới, ông nói: "Tình hình dịch bệnh trong tuần tới sẽ xác định điểm khởi đầu của kế hoạch phục hồi theo từng giai đoạn để trở lại cuộc sống bình thường".
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 0h00 ngày 27/9 (theo giờ Việt Nam), Hàn Quốc ghi nhận tổng cộng 301.172 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.450 trường hợp tử vong và 268.140 người khỏi bệnh hoàn toàn.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)