Ngày 24/9, tại hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) tại Nhà Trắng, lãnh đạo các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở”.
Tại hội nghị, bốn nhà lãnh đạo đã thảo luận về nỗ lực tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19, hạ tầng cơ sở của khu vực, vấn đề biến đổi khí hậu và và đảm bảo chuỗi cung cứng chất bán dẫn được dùng trong công nghệ máy tính.
Trong phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Anh Scott Morrison nêu rõ: "Chúng tôi ở đây cùng với nhau, tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một khu vực mà chúng tôi luôn mong muốn được tự do, nơi các chủ quyền của các nước được tôn trọng và những tranh chấp được giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế”.
Thủ tướng Morrison cũng cho biết Úc sẽ tổ chức họp nhóm Bộ tứ vào đầu năm 2022 để đề ra kế hoạch đầu tư vào một số công nghệ phát thải thấp trong 10 năm tới. Hội nghị, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 2 hoặc tháng 3 năm sau, sẽ quy tụ các nhà cung cấp để giải quyết vấn đề mua sắm, tạo, truyền tải và phân phối công nghệ.
Ông Morrison nhấn mạnh hội nghị, với sự tham dự của những người trực tiếp tham gia nghiên cứu và công nghệ, thương mại hóa, kỹ thuật, ứng dụng, sẽ đưa ra một chương trình rõ ràng về cách thức xây dựng các chuỗi cung ứng năng lượng sạch ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phát biểu với báo giới sau hội nghị kéo dài hai tiếng, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết lãnh đạo các nước trong nhóm Bộ tứ đã nhất trí hợp tác về vắc xin ngừa COVID-19, năng lượng sạch và vũ trụ cũng như đồng ý mỗi năm tổ chức một thượng đỉnh của nhóm.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới, Bí thư Đối ngoại Ấn Độ cho biết Thủ tướng nước này Narendra Modi tại hội nghị đã thông báo kế hoạch cho phép xuất khẩu 8 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối tháng 10 tới theo một thỏa thuận đạt được của nhóm hồi tháng 3 vừa qua nhằm cung cấp 1 tỉ liều vắc xin cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận tăng cường đảm bảo cho chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đấu tranh chống đánh bắt cá trái phép và thúc đẩy nhận thức về lĩnh vực hàng hải. Dự kiến, nhóm cũng sẽ triển khai quan hệ đối tác 5G và lập kế hoạch theo dõi biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa nhất trí tăng cường quan hệ đồng minh an ninh giữa hai nước và tiếp tục các nỗ lực nhằm hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Biden tại Washington ngày 24/9 bên lề hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ, Thủ tướng Suga nói: “Chúng tôi có thể tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước nhờ mối quan hệ đầy tin cậy của tôi với Tổng thống Biden”.
Thủ tướng Suga cũng bày tỏ hy vọng người kế nhiệm mình sẽ “chủ động thực hiện chính sách đối ngoại với một chiến lược không thay đổi để đóng góp cho hòa bình và an toàn của thế giới”. Cuộc gặp ở Washington lần này là cuộc gặp trực tiếp thứ ba giữa Thủ tướng Suga và Tổng thống Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức hồi tháng 1/2021. Trước đó, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở Washington vào tháng 4 và ở Anh vào tháng 6.
Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ, Thủ tướng Suga đã cám ơn Tổng thống Biden vì đã dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với một số nông sản và thực phẩm của Nhật Bản mà Washington đã áp đặt sau sự cố hạt nhân Fukushima năm 2011.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của Nhóm Bộ tứ, Thủ tướng Yoshihide và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc hội đàm song phương, trong đó nhấn mạnh cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Suga đánh giá cao những bước tiến vững chắc của quan hệ hai nước ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại mỗi nước và trên toàn cầu. Ngoài ra, Thủ tướng Suga cũng đề cập đến tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai nước về cung cấp mạng lưới 5G và cáp quang biển có độ tin cậy cao, nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành nghề, củng cố chuỗi cung ứng, thực hiện chuyển đổi năng lượng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực IT, và thúc đẩy phát triển khu vực đông bắc Ấn Độ.
Về phần mình, Thủ tướng Modi nhấn mạnh những đóng góp to lớn của cá nhân Thủ tướng Suga đối với sự phát triển quan hệ song phương trong năm qua và cho rằng, sự ổn định của quan hệ Ấn-Nhật có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối mỗi nước mà còn với thế giới và khu vực.
Về phương hướng sắp tới, hai nhà lãnh đạo nhất trí đẩy mạnh hợp tác ứng phó với đại dịch COVID-19, sớm tổ chức Đối thoại chiến lược ngoại giao-quốc phòng (2+2), tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, an ninh, phát triển xanh, kỹ thuật số, y tế … Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tiếp tục hợp tác thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án xây dựng đường sắt cao tốc, một biểu tượng của quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ.
Cũng trong hội đàm, hai nhà lãnh đạo nhất trí về tầm quan trọng của an ninh hàng hải đối với việc hiện thực hóa khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cam kết sẽ tăng cường hợp tác song phương và hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ tứ hướng tới một trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Cuối cùng, nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 2022, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tăng cường kết nối qua nhiều kênh và cùng thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa “Quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu” Nhật Bản - Ấn Độ.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)