Chiều 15/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tiến hành cải tổ sâu rộng nội các lần thứ hai kể từ khi lên nắm quyền nhằm có được một đội ngũ lãnh đạo mới, có năng lực và đoàn kết hơn, hướng tới mục tiêu lớn là tái thiết nước Anh hùng mạnh hơn sau đại dịch COVID-19 cũng như mục tiêu xa hơn trong tương lai là cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024.
Kể từ khi chính thức trở thành nhà lãnh đạo nước Anh tháng 12/2019, Thủ tướng Johnson đã tiến hành hai cuộc cải tổ lớn, điều chỉnh lại nhân sự nội các để đạt được mục tiêu khác nhau.
Trong lần cải tổ đầu tiên vào tháng 2/2020, trong bối cảnh Anh đã đạt được mục tiêu rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), Thủ tướng Johnson cần sắp xếp một số vị trí bộ trưởng để phù hợp với tầm nhìn chính sách phát triển thời kỳ hậu Brexit.
Tuy nhiên, trong lần cải tổ thứ hai này, nước Anh đang trong một bối cảnh hoàn toàn khác: trải qua hơn một năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19, tiếp tục đối mặt với nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Đông tới cũng như loay hoay giải quyết các thách thức đối ngoại như vấn đề Afghanistan, quan hệ song phương với Mỹ, Trung Quốc...
Điều này đặt Thủ tướng Johnson vào tình thế khó khăn hơn, buộc phải thay thế các nhân vật không đáp ứng kỳ vọng để xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ hơn, đoàn kết hơn, đảm bảo biến các khẩu hiệu của chính phủ hiện nay thành các chương trình hành động, đưa đất nước thoát khỏi đại dịch, khôi phục phát triển kinh tế cũng như đảm bảo vai trò dẫn dắt của Anh trong các vấn đề quốc tế, mà trước mắt là vai trò đồng Chủ tịch Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra tháng 11 tới tại Glasgow.
Và sau cùng, việc cải tổ nội các lần này có lẽ nằm trong kế hoạch để hướng đến mục tiêu xa hơn của Thủ tướng Johnson cho tham vọng tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024.
Trong danh sách nội các mới được công bố, có tới 10/30 vị trí được thay đổi, trong đó một số vị trí chủ chốt được thay thế và điều chuyển sang vị trí khác, một số sẽ rời khỏi nội các.
Ba nhân vật đầu tiên rời khỏi nội các là Bộ trưởng Giáo dục Gavin Williamson Gavin, Bộ trưởng Tư pháp Robert Buckland và Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và chính quyền địa phương Robert Jenrick.
Ông Gavin Williamson được chính giới Anh đánh giá có uy tín thấp nhất trong số các thành viên chính phủ do công tác điều hành yếu kém ngành giáo dục trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt liên quan đến các chính sách hỗ trợ việc học trực tuyến cũng như việc xét chuyển cấp cho học sinh khiến nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh bức xúc.
Ông Nadhim Zahawi, Thứ trưởng phụ trách chương trình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thành công của Anh sẽ đảm nhiệm chức vụ này.
Tuy nhiên, vị trí thu hút được sự quan tâm nhất và đồn đoán nhiều nhất trong lần cải tổ này là chiếc ghế ngoại trưởng Anh, do ông Dominic Rabb nắm.
Trước đó, chính khách này đã phải đối mặt với nhiều chỉ trích mạnh mẽ cũng như sức ép kêu gọi từ chức sau khi đi nghỉ tại đảo Crete (Hy Lạp) giữa lúc lực lượng Taliban tiến vào kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan.
Ông Rabb được điều chuyển sang vị trí Bộ trưởng Tư pháp, vị trí được cho là ít cấp cao hơn trong chính phủ, nhưng đổi lại ông Rabb sẽ được chính thức đảm nhiệm cương vị Phó Thủ tướng Anh, vị trí ông đang đảm nhiệm không chính thức và bỏ trống từ thời chính quyền Thủ tướng David Cameron.
Theo tờ Newstateman, việc ông Rabb trở thành Bộ trưởng Tư pháp được coi như là “sự giáng chức” sau những gì ông đã thể hiện trong cuộc khủng hoảng tại Afghanistan và chức vụ Phó Thủ tướng có lẽ vừa là thỏa hiệp của hai bên, vừa là sự công nhận về thời gian ông Rabb đã sát cánh cùng Thủ tướng Johnson khi nhà lãnh đạo này phải nhập viện điều trị COVID-19 hồi tháng 4 năm ngoái.
Ghế ngoại trưởng được dành cho Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liz Truss. Bà Truss là người phụ nữ thứ hai sau bà Margaret Beckett dưới thời chính quyền của Thủ tướng Tony Blair và là phụ nữ đầu tiên thuộc đảng Bảo thủ nắm giữ trọng trách quan trọng này trong Chính phủ Anh.
Tờ Financial Times nhận định, tân Ngoại trưởng Anh đã gây ấn tượng mạnh với Thủ tướng Johnson vì sự nhiệt huyết và cương quyết theo đuổi các cuộc đàm phán thương mại và được chính giới đánh giá là một trong số ít những thành viên nội các vẫn sẵn sàng đấu tranh cho lý tưởng thị trường tự do.
Quãng thời gian làm Bộ trưởng Thương mại quốc tế đã mang lại cho bà một nền tảng ngoại giao vững chắc. Là người theo chủ nghĩa Đại Tây Dương và có thái độ cứng rắn với Trung Quốc, bà Truss được kỳ vọng sẽ giúp xây dựng lại các cầu nối quan trọng với Mỹ.
Tuần tới, tân Ngoại trưởng Anh sẽ có màn ra mắt đầu tiên nhân chuyến tháp tùng Thủ tướng Johnson công du New York dự họp khóa họp 76 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc và được cho là sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của Chính phủ Anh nhằm đảm bảo tổ chức thành công COP26.
Bốn vị trí quan trọng khác là bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng nội vụ và bộ trưởng y tế vẫn được giữ nguyên.
Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng có một động thái quan trọng là điều chuyển ông Michael Gove từ vị trí Bộ trưởng Văn phòng Nội các sang đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và chính quyền địa phương với nhiệm vụ giám sát cải cách quy hoạch và chương trình nghị sự “nâng cấp” nhằm giải quyết bất bình đẳng giữa các khu vực tại Anh.
Cả hai vấn đề này đều là trọng tâm trong mục tiêu tái cử của Thủ tướng Johnson cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024. Với việc đặt ông Michael Gove vào vị trí này, tờ Guardian nhận định, Thủ tướng Boris Johnson đã đặt nền móng cho cuộc tổng tuyển cử tiếp theo vào năm 2024 thông qua việc biến chương trình “nâng cấp” từ khẩu hiệu thành hiện thực.
Trong dòng thông báo trên Twitter sau khi công bố các quyết định, Thủ tướng Anh viết: “Nội các mà tôi đã bổ nhiệm hôm nay sẽ làm việc không mệt mỏi để đoàn kết và thúc đẩy cả đất nước. Chúng tôi sẽ tái thiết nước Anh vững mạnh hơn và thực hiện các ưu tiên dành cho người dân”.
Theo giới truyền thông Anh, đây là thời điểm thích hợp nhất để Thủ tướng Anh tuyên bố cải tổ nội các trước khi công du sang Mỹ dự khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc và cũng là thời điểm Quốc hội Anh chuẩn bị nghỉ họp để các đảng tiến hành đại hội.
Ngoài ra, việc sắp xếp nhân sự vào thời điểm này cũng giúp chính phủ có thời gian để kịp chuẩn bị cho COP26.
Cuộc cải tổ lần này đã được các nghị sỹ đảng Bảo thủ hoan nghênh, đồng thời bày tỏ hy vọng các quan chức bổ nhiệm mới sẽ không gây ra tình trạng hỗn loạn trong Chính phủ Anh.
Bà Bronwen Maddox, Giám đốc tổ chức tư vấn Institute for Government có trụ sở tại London, nhận định việc Thủ tướng Johnson đưa ra quyết định cải tổ lần này nhằm thay thế các vị trí không đạt được kỳ vọng cũng như trao thêm cơ hội cho các nhân vật quan trọng để hướng tới các mục tiêu xa hơn trong tương lai.
Trao đổi với phóng viên tờ Financial Times, một nghị sỹ có ảnh hưởng trong Quốc hội Anh cho rằng: “Các lựa chọn nội các có vẻ hợp lý. Họ đã khẳng định được năng lực của mình. Thủ tướng Johnson đã có những lựa chọn tốt." Một nghị sỹ khác bày tỏ "hy vọng về một chính phủ hiệu quả hơn".
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến bất đồng trong nội bộ đảng Bảo thủ về quyết định thay đổi nhân sự. Nghị sỹ Bob Neill, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Anh, đã lên tiếng chỉ trích việc sa thải Bộ trưởng Tư pháp Buckland là sai lầm, cho rằng chính khách này đã “làm rất tốt vai trò Bộ trưởng Tư pháp và là người hiểu tầm quan trọng của hiến pháp với tư cách là người bảo vệ hệ thống tư pháp”.
Thủ tướng Johnson cũng dự kiến tiếp tục cuộc cải tổ nội các với các vị trí thứ trưởng để chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử vào năm 2024. Một nhân vật thân cận với Thủ tướng Anh cho biết “đây là một dự án hai giai đoạn”.
Với cuộc tổng tuyển cử tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2024 hoặc có thể sớm hơn, bên cạnh việc lãnh đạo đất nước sớm vượt qua đại dịch COVID-19 và tập trung vào cải cách trong nước, Thủ tướng Johnson cũng đang chuẩn bị cho mục tiêu giành được ủng hộ rộng rãi của các cử tri trên cả nước.
Theo TTXVN/Vietnam+