Theo TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, WHO đã phê duyệt 7 loại vắc xin phòng COVID-19 vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Trong đó có Sinopharm/BBIP và Sinovac. Các loại còn lại bao gồm Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện Huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna.
TS Kidong Park cho biết WHO đang giám sát hiệu quả của những loại vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin.
Các dữ liệu tính đến ngày 6/8/2021 cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng COVID-19 do biến thể Delta, mặc dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh có triệu chứng.
Trước đó, trên website của mình, WHO khẳng định vắc xin đã được chứng minh là có khả năng sinh miễn dịch và không có mối lo ngại nào về tính an toàn đã được xác định trong các nghiên cứu lâm sàng.
Vắc xin Sinopharm là loại vắc xin phòng COVID-19 đầu tiên được phát triển bởi một quốc gia không thuộc phương Tây, được sự phê duyệt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trước đó, WHO chỉ chấp thuận các vắc xin Covid-19 do AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson sản xuất.
Ngày 7-5-2021, vắc xin Sinopharm được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp (EUL) với hiệu quả bảo vệ lên đến 78,2%, đây cũng là vắc xin đầu tiên sử dụng công nghệ bất hoạt được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO.
Vắc xin Sinopharm là vắc xin được nghiên cứu và sản xuất bởi Viện Nghiên cứu Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Sinopharm (Trung Quốc), đây là vắc xin được sản xuất bằng công nghệ bất hoạt. Sinopharm (hay Tập đoàn Y Dược Trung Quốc) là đơn vị sản xuất vắc xin lớn nhất Trung Quốc, có hơn 1.500 công ty con và hơn 200.000 nhân viên trải rộng khắp toàn cầu. Năm 2020, đơn vị này được xếp hạng 145 trong danh sách 500 công ty hàng đầu thế giới, với thu đạt hơn 70 tỉ đô la Mỹ.
Vắc xin Sinopharm của Trung Quốc được phát triển theo cách “truyền thống” hơn so với một số loại vắc xin phòng COVID-19 khác đang được sử dụng như Pfizer và Moderna. Nếu như vắc xin Pfizer và Moderna được bào chế theo công nghệ mRNA, thì vắc xin Sinopharm là vắc xin bất hoạt sử dụng các phần tử virus bất hoạt nhằm mục đích kích thích hệ thống miễn dịch sinh ra kháng thể.
Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố đã tiến hành tiêm vắc xin Sinopharm đề phòng, chống COVID-19 cho người dân. Trong đó, TP Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 500.000 liều vắc xin của Sinopharm. Tất cả người dân được tiêm vắc xin Sinopharm đều an toàn.
Sáng 18-8, thêm một triệu liều vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm, đã đến sân bay Tân Sơn Nhất. 2 lô vắc xin Vero Cell tiếp theo dự kiến sẽ được vận chuyển về TP Hồ Chí Minh trong các ngày 22 và 26-8.
Được biết, các lô vắc xin này nằm trong số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell mà Bộ Y tế đồng ý để Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Theo QĐND