* Indonesia dự báo có khoảng 1,9 triệu ca mắc COVID-19 trong năm 2022
Một khảo sát do Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) thuộc Bộ Y tế Thái Lan thực hiện cho thấy số người đã được tiêm chủng đầy đủ ở nước này tử vong vì dịch COVID-19 chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tỷ lệ những người chưa được tiêm phòng.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, DDC đã theo dõi hồ sơ tiêm chủng của 13.637 trường hợp tử vong trên toàn quốc và phát hiện ra rằng 1.967 người trong số đó, tương đương 14,4%, đã được tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên.
Cuộc khảo sát cho thấy có 107 trường hợp tử vong ở những người đã tiêm hai liều, chỉ chiếm 0,8% tổng số, trong khi 8.803 trường hợp tử vong, tương đương 64,6%, là những người chưa được tiêm phòng.
Có 2.760 trường hợp tử vong, tương đương 20,2%, không thể phân loại trong bất kỳ nhóm cụ thể nào do không có hồ sơ tiêm chủng trong cơ sở dữ liệu hoặc do thông tin mâu thuẫn.
Tuy nhiên, DDC không chia nhỏ các số liệu cho các loại vắc xin khác nhau đang được sử dụng ở Thái Lan.
Cuộc khảo sát được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 25/7 đến ngày 9/9, trong đó những người từ 60 tuổi trở lên chiếm đa số. Kết quả được Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) công bố ngày 13/9.
Hơn 60% số người tử vong được khảo sát ở vùng đô thị Bangkok mở rộng và 5% ở các tỉnh biên giới phía Nam. Đây được coi là những khu vực nguy hiểm nhất bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Đến nay, hơn 27 triệu người trên khắp Thái Lan đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 và khoảng 12 triệu người đã được tiêm mũi thứ hai.
Tính đến ngày 12/9, chỉ có 7/77 tỉnh ở Thái Lan, gồm thủ đô Bangkok, Pathum Thani, Samut Sakhon, Samut Prakan, Chachoengsao, Chon Buri và Phuket, đã có hơn một nửa dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19.
Theo TS Udom Kachintorn, cố vấn chính của CCSA, hai tuần tới sẽ rất quan trọng cho việc đưa ra quyết định vào cuối tháng này về việc có mới lỏng hơn nữa những hạn chế để phòng chống dịch hay không.
Thái Lan sáng 13/9 thông báo ghi nhận 12.583 ca nhiễm mới, mức thấp nhất kể từ ngày 21/7, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 1.394.756, trong đó có 1.248.377 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục.
Nước này cũng ghi nhận thêm 132 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 từ đầu đại dịch lên 14.485.
Thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm mới và tử vong cao nhất, với 3.239 ca nhiễm mới và 23 người không qua khỏi.
Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết xu hướng gia tăng ở một số quận tại Bangkok có thể liên quan đến quyết định của chính phủ về việc nới lỏng hạn chế, khiến người dân đổ xô đến các khu mua sắm, nhà hàng và những địa điểm nổi tiếng khác.
* Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin dự báo sẽ có 1,9 triệu ca mắc COVID-19 vào năm 2022 nếu đại dịch trở thành căn bệnh đặc hữu.
Phát biểu trong cuộc điều trần trước Ủy ban IX của Hạ viện ngày 13/9, Bộ trưởng Budi cho biết nếu đại dịch trở thành căn bệnh đặc hữu, mỗi năm Indonesia sẽ có khoảng 1,9 triệu ca mắc COVID-19.
Dự báo được đưa ra nếu không có biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan trong nước.
Còn trong trường hợp nếu xuất hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 lây lan ở Indonesia, ước tính số ca mắc COVID-19 ở Indonesia trong một năm sẽ là 3,9 triệu. Thực tế trong 18 tháng qua, Indonesia ghi nhận 4.167.511 trường hợp mắc COVID-19.
Theo ông Budi, với dự báo này, chính phủ sẽ phải chuẩn bị hai kịch bản: kịch bản thứ nhất, chính phủ sẽ tiến hành 28 triệu xét nghiệm trong một năm và kịch bản thứ hai sẽ tăng công suất lên 58 triệu xét nghiệm.
Các kịch bản này sẽ ảnh hưởng đến việc xét nghiệm, điều trị và cách ly. Nhưng ở góc độ tiêm chủng, không có gì thay đổi.
Về mũi vắc xin tăng cường cho cộng đồng, chính phủ chỉ cung cấp 91,8 triệu liều miễn phí cho những người tham gia thuộc các cơ quan quản lý an sinh xã hội y tế. Ngoài ra, công chúng phải trả tiền mua vắc xin cho mũi tiêm thứ ba.
Chính phủ sẽ chuẩn bị ít nhất 241,3 triệu liều vắc xin vào năm 2022 cho 212,7 triệu dân. Chính phủ sẽ sẽ ưu tiên mua vắc xin COVID-19 sản xuất trong nước.
Hiện nay, năng lực sản xuất vắc xin trong nước ước tính là 462 triệu liều, sẽ đáp ứng nhu cầu của chính phủ và các chương trình tiêm chủng độc lập.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)