Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo Martin Griffiths ngày 7/9 cho biết Liên Hợp Quốc hy vọng có thể sớm cung cấp viện trợ nhân đạo cho Afghanistan bằng đường bộ, đồng thời thông báo một đại diện mới của cơ quan này đang trên đường đến quốc gia Tây Nam Á.
Ông Griffiths nhấn mạnh Liên Hợp Quốc muốn triển khai hoạt động cung cấp viện trợ nhân đạo bằng đường bộ từ các quốc gia khác cho Afghanistan. Tuy nhiên, để hoạt động này được thông suốt, chính quyền mới ở Afghanistan cần tạo điều kiện an ninh.
Theo ông Griffiths, các quan chức Liên Hợp Quốc đang tìm cách có được văn bản xác nhận từ lực lượng Taliban, vốn tiếp quản Afghanistan từ cuối tháng trước, để đảm bảo an ninh cho hoạt động cứu trợ nhân đạo.
Ông cũng cho rằng các cơ quan cứu trợ nhân đạo trên thế giới ở mỗi quốc gia cần độc lập trong công tác đánh giá, phân phối và giám sát an ninh, an toàn của nhân viên cứu trợ nhân đạo của nước đó và quốc tế, cũng như gia đình họ.
Ông Griffiths cho biết quan chức đứng đầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), Filippo Grandi, đang trên đường đến Afghanistan và hy vọng có thể di chuyển từ Kabul đến thành phố Kandahar ở miền Nam.
Tuần trước, Liên Hợp Quốc thông báo các chuyến bay cứu trợ nhân đạo đã đến được với khu vực miền Bắc và miền Nam Afghanistan.
Khoảng 600.000 người Afghanistan đã phải rời khỏi nước này trong năm nay do tình hình bất ổn trong nước.
Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 50% dân số Afghanistan, tương đương 18 triệu người đang cần được cứu trợ nhân đạo.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi cuộc họp cấp bộ trưởng các nước tại Geneva (Thụy Sĩ) vào đầu tuần tới sẽ tăng cường viện trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Các quan chức Liên hợp quốc đang kêu gọi sự đóng góp từ cộng đồng quốc tế lên đến 606 triệu USD đến cuối năm nay để cứu trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Trong khi đó, tại châu Âu, Thủ tướng Czech Andrej Babis ngày 7/9 đã đề xuất Liên minh châu Âu (EU) giúp người Afghanistan ở lại đất nước của mình thay vì tiếp nhận họ làm người tị nạn. Thủ tướng Babis đưa ra đề xuất này khi phát biểu sau cuộc gặp những người đồng cấp Áo và Slovakia tại Lâu đài Lednice, khu vực Đông Nam Czech.
Nhà lãnh đạo Czech đề cập đến một thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2016 - được xây dựng nhằm ngăn chặn dòng người di cư chủ yếu từ Syria đổ vào châu Âu bằng cách đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận hàng triệu người tị nạn để đổi lại các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tài chính.
Trong khi đó, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết Vienna đã chi 18 triệu euro (khoảng 21,3 triệu USD) để hỗ trợ những người Afghanistan ở các nước láng giềng của Afghanistan.
Thủ tướng Áo khẳng định: “Chúng tôi sẽ cố gắng xoa dịu nỗi thống khổ của họ, nhưng chúng tôi đồng ý rằng sẽ không để tái diễn tình trạng tương tự năm 2015. Chúng tôi phản đối hoạt động di cư bất hợp pháp và chúng tôi sẽ đấu tranh với những kẻ buôn người. Chúng tôi cần tìm kiếm một giải pháp trong khu vực và không châm ngòi cho một làn sóng di cư khác đến châu Âu”.
Theo TTXVN/Vietnam+