* Ai Cập có kế hoạch sản xuất 1 tỉ liều vắc xin Sinovac mỗi năm
Các loại vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay vẫn đặc biệt phát huy hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh nhân nhiễm biến thể Delta gây bệnh COVID-19 phải nhập viện.
Theo dữ liệu được Ủy ban Tư vấn về thực hành tiêm chủng của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố ngày 31/8, kể từ khi Delta trở thành biến thể áp đảo trong số các ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ, hiệu quả của các vắc xin ngừa COVID-19 trong việc ngăn ngừa nguy cơ nhập viện đã dao động từ 75% đến 95%.
Đối với người trên 75 tuổi, vắc xin đạt hiệu quả trên 80% trong ngăn ngừa nguy cơ nhập viện. Trong khi đó, đối với người từ 18-49 tuổi, hiệu quả của vắc xin đạt 94%. Những người trưởng thành chưa tiêm phòng vắc xin có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với những người trưởng thành đã được tiêm vắc xin.
Tỉ lệ nhập viện cao hơn đối với những người không tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi.
Trình bày kết quả trên trước ủy ban, TS Sara Oliver, nhà khoa học của CDC Mỹ, khẳng định vắc xin ngừa COVID-19 có hiệu quả bảo vệ cao giúp ngăn bệnh chuyển nặng và tử vong.
Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận khả năng vắc xin ngăn ngừa lây nhiễm hoặc mắc COVID-19 ở thể nhẹ có lẽ đã giảm đi.
Kể từ khi biến thể Delta trở nên chiếm ưu thế, hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa lây nhiễm đã dao động từ 39% đến 84%.
Bà lý giải việc giảm hiệu quả có thể liên quan đến tính chất dễ lây lan của biến thể Delta và khả năng bảo vệ của vắc xin suy giảm theo thời gian.
Đề cập đến vấn đề tiêm mũi vắc xin tăng cường, TS Oliver cho rằng nếu điều này được áp dụng rộng rãi cho toàn dân, việc đầu tiên là phải ưu tiên các nhân viên y tế và những người ở tuyến đầu, người cao tuổi trên 75 tuổi.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vắc xin ngừa COVID-19 cần phải được cung cấp cho những người có nguy cơ cao trên khắp thế giới, đặc biệt là ở những nước thu nhập thấp, nơi nhiều người dân vẫn chưa được tiêm mũi vắc xin đầu tiên.
Dữ liệu mới nhất của CDC Mỹ khá tương đồng với kết luận được nêu trong báo cáo được Viện Y tế công cộng Bỉ (Sciensano) đưa ra ngày 30/8.
Theo đó, ngay cả khi có sự khác nhau về mức độ bảo vệ của vắc xin tùy thuộc vào công nghệ được sử dụng (vắc xin mRNA dường như hiệu quả hơn một chút so với vắc xin dựa trên cơ chế vector adenovirus), vắc xin vẫn phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tiến triển nặng khi mắc COVID-19.
Dữ liệu mới nhất của Sciensano còn cho thấy khả năng lây truyền virus SARS-CoV-2 ở những người đã tiêm phòng cũng thấp hơn nhiều, từ 52% đến 62%. Đối với các trường hợp đã tiêm chủng, nguy cơ bị nhiễm bệnh cũng giảm đáng kể. Hiện, Mỹ đang sử dụng ba loại vắc xin ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson.
Trước đó, trong một phân tích dữ liệu do CDC Mỹ công bố ngày 29/8, những người trưởng thành chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 có nguy cơ nhập viện cao hơn 17 lần so với những người đã được tiêm phòng. Tỉ lệ nhập viện cao hơn đối với những người không được tiêm chủng ở tất cả các nhóm tuổi.
* Bộ trưởng Y tế Ai Cập Hala Zayed ngày 1/9 cho biết Ai Cập có kế hoạch sản xuất 1 tỉ liều vắc xin Sinovac của Trung Quốc mỗi năm, đồng thời khẳng định nước này sẽ trở thành nhà sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất tại châu Phi và Trung Đông.
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở thủ đô Cairo, bà Zayed cho hay theo thỏa thuận được ký kết giữa Công ty Sinh phẩm và Vắc xin Ai Cập (VACSERA) và Công ty dược sinh học Sinovac của Trung Quốc, một nhà máy tại Cairo sẽ sản xuất hơn 200 triệu liều vắc xin Sinovac mỗi năm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.
Ngoài ra, một nhà máy thứ hai sẽ sản xuất 3 triệu liều mỗi ngày, tương đương khoảng 1 tỉ liều mỗi năm, với mục tiêu xuất khẩu loại vắc xin ngừa COVID-19 này sang các nước châu Phi.
Theo bà Zayed, dự án trên sẽ đưa Ai Cập trở thành nhà sản xuất vắc xin lớn nhất tại khu vực Trung Đông và châu Phi. Các chuyên gia Trung Quốc đã tới Ai Cập để kiểm tra các trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất vắc xin Sinovac tại các nhà máy của công ty VACSERA.
Ai Cập, với dân số hơn 100 triệu người, tính đến nay đã ghi nhận hơn 288.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 16.700 trường hợp tử vong. Khoảng 7,5 triệu người Ai Cập đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)