Một nhóm nhà hoạch định chính sách toàn cầu, có nhiệm vụ ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, ngày 27/8 đã kêu gọi các quốc gia có nguồn dự trữ vắc xin lớn chia sẻ vắc xin với các chương trình phân phối tới các nước có thu nhập thấp hơn.
Trong một tuyên bố chung, nhóm trên, bao gồm những người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lưu ý rằng hiện mới có chưa đầy 2% số người trưởng thành ở hầu hết các nước thu nhập thấp đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Con số này quá thấp so với mức gần 50% ở các nước có thu nhập cao.
Nhóm trên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng bất bình đẳng vắc xin đang tạo ra “khoảng cách nguy hiểm” về tỉ lệ sống sót trong giai đoạn dịch COVID-19, cũng như trong nền kinh tế thế giới.
Vì vậy, nhóm trên kêu gọi Nhóm quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) "khẩn trương" thực hiện các cam kết chia sẻ vắc xin, bởi hiện mới có chưa đầy 10% số liều vắc xin được cam kết chia sẻ được chuyển đi. Bên cạnh đó, nhóm này còn kêu gọi các nước loại bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với vắc xin ngừa COVID-19.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định khôi phục một số hạn chế để phòng, chống COVID-19, trong đó có các yêu cầu cách ly và xét nghiệm đối với những người chưa tiêm vắc xin đến từ Mỹ và 5 nước khác.
Như vậy, các quốc gia EU đã bắt đầu loại Mỹ khỏi danh sách các nước có công dân có thể đi đến 27 nước trong khối mà không phải chịu hạn chế bổ sung liên quan đến dịch COVID-19. Danh sách không ràng buộc hiện có 23 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Qatar và Ukraine.
Hiện một số nước thành viên EU cũng đã áp đặt hạn chế riêng đối với các du khách đến từ Mỹ.
Theo TTXVN/Vietnam+