Trước những lo ngại về dòng người di cư từ Afghanistan đổ về các quốc gia châu Âu, Liên minh châu Âu sẽ triệu tập hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các quốc gia thành viên vào ngày 31/8.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên minh châu Âu (EU), ngày 26/8, Slovenia, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã thông báo triệu tập cuộc họp Bộ trưởng Nội vụ EU bằng hình thức trực tiếp để xem xét tình hình sau khi Taliban tiếp quản thủ đô Kabul và thời hạn chót để rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan là ngày 31/8.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), đến giữa tháng 9 là thời hạn các quốc gia thành viên trình bày cam kết thực hiện lời hứa cụ thể về hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn Afghanistan.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trước đó đã kêu gọi các quốc gia tham gia sứ mệnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan cung cấp các khả năng tiếp nhận những người được sơ tán.
Nguồn tin từ EC cho biết hơn 400 người Afghanistan làm việc cho EU và gia đình của họ đã được lực lượng quân sự của một số quốc gia châu Âu sơ tán và hiện đang được chuyển đến các quốc gia thành viên tiếp nhận.
"Chúng tôi thường xuyên liên lạc với Mỹ để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều được tiếp nhận, đó là một thủ tục rất căng thẳng", một người phát ngôn của EC nói thêm.
Tuy nhiên, EC không nêu rõ số lượng người đủ điều kiện sơ tán nhưng vẫn ở lại Kabul nơi họ có thể bị mắc kẹt lâu dài do các hoạt động sơ tán bị tạm dừng.
EC đang chờ đợi các quốc gia thành viên và các quốc gia khác tham gia phái bộ NATO hoàn thành "nghĩa vụ chăm sóc" những người dễ bị tổn thương này, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái, các nhà hoạt động và nhà báo.
Người phát ngôn EC nhấn mạnh: “Đây là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi các quốc gia cung cấp cho họ các kênh tiếp cận hợp pháp với châu Âu”.
Cuối tuần trước, EC thông báo đã tăng hỗ trợ nhân đạo của EU cho Afghanistan và các quốc gia lân cận phải đối mặt với làn sóng người tị nạn, từ 57 triệu euro lên 200 triệu euro trong năm 2021.
Hiện vấn đề tiếp nhận người tị nạn đang chia rẽ nội bộ 27 quốc gia EU khi Liên minh đang cố gắng để không lặp lại sai lầm như cuộc khủng hoảng di cư hồi năm 2015.
Theo TTXVN/Vietnam+