Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 8 giờ sáng 24/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận hơn 213,22 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có hơn 4,45 triệu bệnh nhân đã tử vong. Hiện số bệnh nhân phục hồi là hơn 190,8 triệu người.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh với hơn 38,76 triệu ca nhiễm, trong đó 645.937 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, số ca nhiễm mới, số người phải nhập viện và tử vong tiếp tục tăng lên do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh gây ra.
Số ca nhiễm mới trung bình trong vòng 7 ngày tính đến ngày 17/8 tại Mỹ là 133.056 ca/ngày, tăng 14% so với tuần trước đó (với 116.740 ca/ngày). Số ca phải nhập viện trong cùng thời gian này cũng tăng 14,2%. Trong khi đó, số người không qua khỏi cũng tăng 10,8%. Hiện số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đến 98,8% số ca bệnh tại Mỹ.
Cùng ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, quyết định được chờ đợi nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Mỹ. Đây cũng là loại vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vắc xin phòng COVID-19 khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, FDA đã đưa ra quyết định trên sau 3 tháng xem xét đơn đề nghị cấp phép đầy đủ của 2 hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech đối với vắc xin phòng COVID-19 mà 2 hãng này phối hợp sản xuất. Việc vắc xin được cấp phép đầy đủ sẽ giúp Pfizer và BioNTech loại bỏ những hạn chế liên quan đến việc phân phối và quảng cáo sản phẩm.
Trước đó, theo tờ Bloomberg, FDA Mỹ đã khuyến cáo người dân không tự ý uống thuốc Ivermectin để điều trị hoặc phòng ngừa COVID-19. Khuyến cáo được đưa ra khi Bộ Y tế bang Mississippi thông báo về việc hơn 70% các cuộc gọi gần đây đến trung tâm xử lý ngộ độc của bang xuất phát từ những trường hợp uống Ivermectin, là loại thuốc trị ký sinh trùng của gia súc.
Ông Thomas Dobbs, nhân viên y tế của bang, cho biết đã nhận được báo cáo về những người uống thuốc này như một biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cơ quan y tế bang cảnh báo rằng 85% số người gọi đến báo cáo ngộ độc thuốc Ivermectin chỉ có triệu chứng nhẹ.
Liên quan đến báo cáo trước đó về việc sử dụng Ivermectin, Viện Y tế quốc gia (NIH) cho biết hầu hết các nghiên cứu về việc sử dụng Ivermectin để phòng ngừa mắc COVID-19 đều có "những hạn chế đáng kể", cũng như không có đủ bằng chứng để khuyến cáo sử dụng hay không sử dụng loại thuốc này trong đại dịch.
Trong khi đó, FDA cho hay Ivermectin không phải là thuốc chống virus và dùng liều lượng lớn thuốc này rất nguy hiểm, có thể gây tác hại nghiêm trọng. Mặc dù chủ yếu dùng cho động vật, FDA cho biết Ivermectin đã được phê duyệt sử dụng liều nhỏ ở con người để điều trị hai căn bệnh do giun ký sinh gây ra. Bang Mississippi có tỉ lệ mắc COVID-19 trên đầu người cao nhất tại Mỹ và tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa virus SARS-CoV-2 thấp nhất.
Tại Ấn Độ, giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Đồng thời, trong làn sóng thứ ba này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng COVID-19 thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng COVID-19 đầu tiên.
Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal, dự đoán cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện.
Trong trường hợp đó, Ấn Độ có thể thấy các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày lên đến 150.000 ca nhiễm mới và cao điểm là vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai, nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, nhóm nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho rằng các dự đoán dựa trên các giả định. Làn sóng COVID-19 thứ hai, chủ yếu là do biến thể Delta, quét qua đất nước từ tháng Ba đến tháng 5/2021, lây nhiễm cho hàng nghìn người và giết chết hàng nghìn người khác. Riêng ngày 7/5, cả nước ghi nhận 414.188 trường hợp mắc COVID-19. Biến thể Delta hiện gây ra nhiều làn sóng nhiễm COVID-19 ở các khu vực trên thế giới. Ông Agrawal cho biết dữ liệu nghiên cứu sớm được công khai.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết tiêm chủng vắc xin là vũ khí mạnh nhất trên toàn thế giới để chống lại dịch COVID-19 và hơn 580 triệu người đã được tiêm chủng tại Ấn Độ cho đến thời điểm hiện nay.
Ngày 23/8, Bộ Y tế Philippines cho biết đã ghi nhận 18.332 ca mắc mới COVID-19 trong vòng 24 giờ qua, mức cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tại nước này. Giới chức Manila cũng lần đầu tiên thừa nhận tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng do biến thể Delta tại Vùng đô thị Manila. Ngoài ra, Philippines cũng ghi nhận thêm 151 ca tử vong mới.
Với những thống kê mới trên, tổng ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này tăng lên mức 1.857.646 ca, trong đó có 31.961 ca tử vong. Trong buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Y tế Maria Rosario Vergeire nói rõ biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh đang lan rộng khắp Vùng đô thị Manila, bao gồm thủ đô Manila và 16 thành phố với hơn 13 triệu dân.
Bà nêu rõ nhìn trên bản đồ dịch bệnh, tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng tập trung tại các khu vực đông dân cư do gia tăng số ca mắc biến thể Delta tại những khu vực này, nơi có gần 30 triệu dân sinh sống.
Trong khi đó, Indonesia tiến hành nới lỏng các hạn chế hoạt động cộng đồng. Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu trên kênh Youtube của Văn phòng thư ký Tổng thống ngày 23/8, Tổng thống Joko Widodo cho biết, chính phủ nước này sẽ dần nới lỏng các quy định về việc thực hiện các hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 4 do có sự cải thiện ở một số chỉ số.
Việc mở cửa trở lại các hoạt động cộng đồng vẫn phải được thực hiện từng bước phù hợp với các quy trình y tế như xét nghiệm và truy vết cũng như triển khai tiêm chủng rộng rãi hơn. Cụ thể, PPKM ở các khu vực Jakarta, Bogor, Depok, Tangerang và Bekasi sẽ giảm xuống cấp độ 3 từ ngày 24-30/8/2021. Các cơ sở tôn giáo được phép hoạt động với tối đa 30 người.
Các nhà hàng được phép mở cửa với công suất phục vụ tối đa 25% sức chứa, một bàn với 2 người và giờ mở cửa giới hạn đến 20 giờ. Các trung tâm mua sắm và trung tâm thương mại được phép mở cửa tối đa là 50% và được phép hoạt động đến 20h hằng ngày. Các ngành công nghiệp hỗ trợ và định hướng xuất khẩu có thể hoạt động 100% công suất. Các thực hiện các quy trình nghiêm ngặt về sức khỏe do chính quyền khu vực quy định.
Cũng theo Tổng thống Joko Widodo, đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và một số quốc gia hiện đang trải qua đợt thứ ba với số ca mắc bệnh rất lớn, do đó Indonesia phải luôn cảnh giác để thực hiện các chính sách đúng đắn trong việc kiểm soát đại dịch. Theo thống báo của Bộ Y tế Indonesia, trong ngày 23/8, nước này ghi nhận thêm 9.604 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 3.989.060 người. Với 842 trưởng hợp tử vong, nâng tổng ca tử vong từ đầu mùa dịch lên 127.214 người.
Ở châu Âu, Chính phủ liên bang Đức cho biết sẽ hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ. Số tiền trên sẽ được phân bổ cho các bang theo quy định và chính quyền các địa phương cũng sẽ phải gánh một phần chi phí.
Thông báo của Bộ Kinh tế liên bang Đức cho rằng cần phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ - những đối tượng hiện chưa có vắc xin phòng COVID-19. Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier nhấn mạnh mục đích của các biện pháp trên là duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa thu và mùa đông này.
Liên quan tình hình dịch bệnh ở Đức, kể từ ngày 23/8, chính quyền nhiều bang ở nước này bắt đầu áp dụng quy tắc 3G (viết tắt của 3 chữ: đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh và đã xét nghiệm) để những người thuộc diện 3G có thể dễ dàng tham gia vào cuộc sống bình thường.
Cụ thể, những ai muốn vào nhà hàng, rạp chiếu phim, nhà hát, cửa hàng làm tóc, phòng tập gym, bể bơi và trung tâm thể thao, bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở tương tự... cần phải mang theo giấy tờ hoặc thông tin chứng minh đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh hoặc vừa làm xét nghiệm với kết quả âm tính (xét nghiệm nhanh có giá trị trong 24 giờ, xét nghiệm PCR trong 48 giờ). Đức hiện ghi nhận 3,873 triệu ca nhiễm, trong đó 91.979 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông, chính quyền Palestine đã quyết định tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 thứ 3 cho một số nhóm người theo chỉ định, trong đó có nhân viên y tế, người có bệnh nền và người cao tuổi. Quyết định được ban hành sau hội nghị của ủy ban khẩn cấp quốc gia ứng phó với dịch bệnh của Palestine.
Thủ tướng Palestine Mohammed Ishtayeh Ishtayeh kêu gọi các viên chức giáo dục và sinh viên đi tiêm vắc xin nhằm giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ông cũng cho biết chính quyền đang chuẩn bị tiêm vắc xin cho học sinh trên 16 tuổi.
Dự kiến, trong ngày 24/8 Palestine sẽ tiếp nhận 200.000 liều vắc xin của Moderna do Mỹ tài trợ thông qua cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đến nay, cơ quan y tế Palestine đã xác nhận 356.875 ca bệnh, trong đó có 3.910 ca tử vong và hiện có 712.501 người đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin, trong đó 439.024 đã được tiêm đủ 2 liều.
Tại châu Mỹ, Chính phủ Peru quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia để ứng phó với đại dịch COVID-19 cho đến hết tháng 9. Trong thời gian áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia, việc thực hiện các quyền hiến định liên quan đến tự do, an ninh cá nhân, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở, quyền tự do hội họp và quá cảnh trong lãnh thổ, đều sẽ bị hạn chế.
Ngoài ra, Chính phủ Peru cũng thông báo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại các địa phương trên cả nước. Theo đó, 24 tỉnh thành của Peru sẽ được phân loại ở các mức: nghiêm trọng, rủi ro rất cao, rủi ro cao và rủi ro trung bình.
Tùy theo tình hình dịch bệnh đã được phân loại, các địa phương sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch khác nhau do chính phủ khuyến cáo, bao gồm thời gian giới nghiêm, sức chứa tối đa tại các địa điểm công cộng và các hạn chế liên quan đến việc sử dụng phương tiện giao thông. Các nhân viên thuộc Cảnh sát quốc gia Peru và Lực lượng vũ trang của nước này có nhiệm vụ bảo đảm việc tuân thủ các quy định được ban hành trong khuôn khổ tình trạng khẩn cấp.
Đến nay, Peru đã ghi nhận hơn 2,14 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 198.000 trường hợp tử vong. Theo Bộ Y tế Peru, khoảng 7,5 triệu người trong tổng số 33 triệu dân đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19 theo chỉ định.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)