Ngày 21/1 tại Brussels (Bỉ), Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU).
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, với 29 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 5 phiếu trắng, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA).
Trong khi đó, INTA cũng thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU - Việt Nam (EVIPA) với 26 phiếu thuận trên 39 đại biểu. Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Bernd Lange, buổi bỏ phiếu có sự tham dự của 40 thành viên Ủy ban INTA.
EVFTA gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ...
Về thuế quan, ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được dỡ bỏ sau 7 năm. Còn EVIPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua hệ thống mới tòa án về đầu tư, đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.
EVFTA sẽ loại bỏ hàng rào đối ứng và hàng rào phi thuế quan, đặc biệt là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; tiếp cận thị trường dịch vụ và mua sắm chính phủ tại Việt Nam. Hiệp định cũng khẳng định nghĩa vụ của cả hai bên liên quan đến các tiêu chuẩn xã hội và môi trường quốc tế, bao gồm Thỏa thuận Khí hậu Paris (2015), Công ước quốc tế về lao động...
Đây là hiệp định đầu tiên mà EU ký kết với một nước đang phát triển, điều này cho thấy EU sẵn sàng tiếp tục con đường thương mại tự do và mở, đồng thời kiên quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Dự kiến, phiên họp toàn thể của EP sẽ bỏ phiếu về 2 hiệp định vào giữa tháng 2 tới. Nếu được EP phê chuẩn, EVFTA sẽ đi vào hiệu lực một tháng sau khi hai bên thông báo cho nhau việc quá trình thủ tục về pháp lý đã kết thúc. Trong khi đó, EVIPA sẽ vẫn còn cần phải được nghị viện của từng nước thành viên EU thông qua. Quá trình này có thể kéo dài tới vài năm.
Ngay sau khi INTA thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVFTA và IPA EVIPA, hàng loạt báo lớn của Đức lập tức đã đăng tin bài về sự kiện này. Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, với tiêu đề "EVFTA vượt qua rào cản đầu tiên ở EP", báo Tiêu điểm (Focus) của Đức viết rằng sau khi được INTA ủng hộ, thỏa thuận giờ đây chỉ còn chờ phiên họp toàn thể của EP thông qua để có hiệu lực vào mùa Thu tới.
Bài báo dẫn tuyên bố của INTA tại Brussels (Bỉ) ngày 21/1 nêu rõ đây được xem là thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất mà EU đạt được với một nước đang phát triển. Ngay khi có hiệu lực, 65% các khoản thuế đối với hàng xuất khẩu EU sang Việt Nam sẽ được xóa bỏ, trong khi các khoản thuế còn lại, trừ một số ít ngoại lệ, sẽ dần được xóa bỏ trong vòng 10 năm.
Tương tự, 71% các khoản thuế đối với hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được gỡ bỏ và trong 7 năm tới sẽ gỡ tới 99% các khoản thuế còn lại. Bài báo cũng viết Việt Nam với dân số trên 95 triệu người có nền kinh tế đạt tăng trưởng cao trong 10 năm qua. Cùng với FVFTA, INTA cũng đã thông qua khuyến nghị phê chuẩn EVIPA. Khác với EVFTA, hiệp định bảo hộ đầu tư không những cần EP và Hội đồng châu Âu thông qua mà còn cần sự phê chuẩn của từng nước thành viên EU.
Cùng ngày, báo Nam Đức (SZ) nhận định thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Việt Nam rất có khả năng được thông qua và có hiệu lực. Trong tháng tới, EP sẽ phê chuẩn thỏa thuận này và việc thông qua sau quyết định của INTA được xem là điều khá chắc chắn.
Trong khi đó, Đài Phát thanh Đức (Deutschlandfunk) viết rằng INTA đã thông qua EVFTA với đại đa số phiếu ủng hộ, qua đó "bật đèn xanh" để thỏa thuận được ký hồi tháng 6/2019 được phê chuẩn ở EP, trong khi Quốc hội Việt Nam có thể phê chuẩn thỏa thuận trong tháng 5 năm nay. Bài báo cũng nêu rõ Việt Nam được coi là quốc gia sản xuất quan trọng các sản phẩm điện tử và hàng dệt may cho thị trường châu Âu.
Trang tin Topagrar của Đức nhận định sự ủng hộ của INTA đã mở đường cho thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Việt Nam để hiệp định, sau tiến trình đàm phán kéo dài 8 năm, có thể bắt đầu có hiệu lực với sự phê chuẩn trong phiên họp toàn thể của EP.
Sau Singapore, đây là hiệp định thương mại tự do thứ hai EU ký với một nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thị trường gồm 10 quốc gia với trên 600 triệu dân. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ hai của EU. Ngoài các kênh truyền thông trên, một số báo khác của Đức như Thế giới trẻ (Jungewelt)... cũng đưa tin về sự kiện này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)