* Nga tiếc vì chưa có "đối thoại quan trọng" giữa hai bên xung đột
Theo AFP, ngày 19/1, các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có các tổng thống Thổ Nhĩ Kỹ, Nga và Pháp đã bắt đầu hội nghị do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì nhằm chấm dứt chiến tranh tại Libya.
Được tổ chức tại thủ đô Berlin của Đức với sự ủng hộ của Liên Hợp Quốc, mục tiêu chính của hội nghị là tận dụng sự ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực nhằm chấm dứt can thiệp vào cuộc chiến, thông qua việc cung cấp vũ khí, quân đội và tài chính.
Truyền thông Đức ngày 19/1 đưa tin sau nhiều cuộc họp sơ bộ với các quan chức, Chính phủ Thủ tướng Angela Merkel đã mời đại diện cao nhất của hai bên xung đột tại Libya dự hội nghị, gồm ông Fayez al-Sarraj đứng đầu Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) ở Tripoli và tướng Khalifa Haftar đứng đầu lực lượng miền Đông tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA).
Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, cùng đại diện của Liên minh châu Âu (EU), Liên minh châu Phi, Liên đoàn Ả-rập và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng tham dự hội nghị.
Bà Merkel đang cố gắng thuyết phục các quốc quốc gia liên quan xung đột ở Libya kiềm chế việc cung cấp vũ khí và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá, việc thực hiện các biện pháp hòa bình trong cuộc xung đột này có thể sẽ khó khăn và có rất ít cơ hội.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết trọng tâm hiện nay chưa phải là đàm phán hòa bình mà mục tiêu chính là để các bên thống nhất về các điều kiện khung nhằm giảm ảnh hưởng tại Libya.
Tờ Welt am Sonntag (Thế giới ngày Chủ nhật) ngày 19/1 dẫn lời người đứng đầu GNA Sarraj kêu gọi rằng nếu tướng Haftar không ngăn chặn được các cuộc tấn công, “cộng đồng quốc tế phải hành động, kể cả đưa lực lượng để bảo vệ người dân Libya".
Ông Sarraj hoan nghênh một lực lượng quốc tế hành động dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc, không phải để bảo vệ cho một chính phủ mà để bảo vệ người dân Libya. Đầu tuần trước, tướng Haftar đã từ chối ký thỏa thuận ngừng bắn tại một hội nghị ở Moscow.
Trong khi đó, cùng ngày, theo AFP, ngày 19/1, Quyền Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết hội nghị thượng đỉnh hòa bình Libya đã không tổ chức được cuộc đối thoại "quan trọng" giữa những người đứng đầu các bên xung đột chính ở Libya.
Tuyên bố này được ông Lavrov đưa ra sau khi người đứng đầu GNA được Liên Hợp Quốc công nhận tại Libya, ông Fayez al-Sarraj và người đứng đầu LNA ở miền đông nước này, tướng Khalifa Haftar tới Đức mà không có cuộc gặp mặt trực tiếp.
Phát biểu với phóng viên sau khi kết thúc hội nghị, Ngoại trưởng Lavrov nói: "Rõ ràng chúng ta đã không thành công trong việc tổ chức một cuộc đối thoại quan trọng và đáng tin cậy giữa họ (ông al-Sarraj và ông Haftar)".
Song ông khẳng định, tuy vậy, các bên ở Libya đã tiến "một bước nhỏ".
Trong một diễn biến liên quan, theo Sputniknews, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về Trung Đông và châu Phi, đồng thời là quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Bogdanov tuyên bố, cần có sự đồng thuận trong quyết định triển khai các lực lượng quốc tế tại Libya trong bối cảnh chỉ có Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được quyền đưa ra các quyết định mà tất cả các bên phải tuân thủ.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Moscow đối với yêu cầu của Thủ tướng Libya được Liên Hợp Quốc công nhận Fayez Sarraj triển khai các lực lượng quốc tế tại nước này, quyền Thứ trưởng Bogdanov nêu rõ: "Tôi nghĩ vấn đề này cần được thảo luận dựa trên cơ sở của sự đồng thuận".
Nhà ngoại giao Nga cho biết những quyết định như vậy phụ thuộc vào cộng đồng quốc tế. Ông Bogdanov cho hay: "Chúng ta bắt đầu từ thực tế rằng ngay cả kết quả của hội nghị Berlin cũng sẽ được thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, và chỉ Hội đồng Bảo an có quyền đưa ra các quyết định ràng buộc tất cả các bên".
Libya trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng.
GNA ở Tripoli được Liên Hợp Quốc công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi tướng Haftar đứng đầu quân đội miền đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) hỗ trợ đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Tháng 4/2019, tướng Haftar bắt đầu các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli. Ngay trước hội nghị ở Berlin, lực lượng ủng hộ tướng Haftar đã chiếm các cảng dầu quan trọng ở Libya. Quân đội của tướng Haftar đã kiểm soát phần lớn Libya trong khi chính phủ của ông Sarraj được quốc tế công nhận chỉ kiểm soát một phần nhỏ của đất nước.
Tình hình Libya trở nên phức tạp hơn do sự can thiệp của bên ngoài. Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi quân đến Libya hỗ trợ GNA. Trong khi đó, các nước ủng hộ tướng Haftar đã hỗ trợ quân sự cho LNA.
Nội bộ EU cũng chia rẽ về vấn đề Libya, theo đó Pháp ủng hộ tướng Haftar trong khi Ý gần gũi chính phủ của ông Sarraj. Gần đây, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell đã đề xuất một lực lượng bảo vệ EU cho Libya.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)