Ngày 9/1, các nhà ngoại giao thuộc 15 quốc gia, trong đó có Mỹ, đã đến khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Đây được xem là chuyến thăm đầu tiên của các nhà ngoại giao làm việc tại New Delhi đến khu vực tranh chấp kể từ khi Chính phủ Ấn Độ quyết định hủy bỏ quy chế tự trị đặc biệt đối với vùng lãnh thổ Kashmir thuộc kiểm soát của nước này, đồng thời áp đặt giám sát về an ninh và liên lạc hồi tháng 8 năm ngoái.
Theo một quan chức đề nghị giấu tên, đoàn xe của nhà chức trách Ấn Độ đã đưa nhóm nhà ngoại giao trên từ sân bay đến bộ tư lệnh quân sự ở Srinagar, nơi họ sẽ được nghe báo cáo về tình hình an ninh tại đây.
Đầu tháng 8/2019, Chính phủ Ấn Độ đã thực thi sắc lệnh của Tổng thống về hủy bỏ quy chế trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir do nước này kiểm soát, đồng thời áp dụng toàn bộ Hiến pháp Ấn Độ đối với khu vực này. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ và Pakistan vẫn thường xuyên cáo buộc lẫn nhau tấn công qua Ranh giới kiểm soát (LOC) phân chia khu vực Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.
Kashmir là vùng lãnh thổ có đa số người theo đạo Hồi sinh sống. Kể từ năm 1947 đến nay, nơi đây vẫn bị chia cắt thành hai phần do Ấn Độ và Pakistan quản lý, song hai nước đều nhận chủ quyền đối với toàn bộ vùng lãnh thổ này.
Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2003 về tuân thủ lệnh ngừng bắn, giao tranh vẫn xảy ra giữa binh sĩ hai bên tại ranh giới phân chia Kashmir.
Theo TTXVN/Vietnam+