Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi ngừng ngay lập tức việc sử dụng vũ khí trong cuộc xung đột tại Trung Đông giữa Iran và Mỹ, đồng thời hối thúc các bên liên quan khởi động đối thoại.
Phát biểu ngày 8/1 với báo giới trước khi lên đường sang London của Anh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh cần phải chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ khí để nhường chỗ cho đối thoại.
Bà hối thúc các nỗ lực khởi động đối thoại tháo gỡ tình hình phức tạp hiện nay tại Trung Đông.
Ngoài ra, quan chức hàng đầu của EU cho biết liên minh này đã thiết lập các kênh liên lạc với các bên liên quan tại khu vực cũng như ngoài khu vực với mục đích làm giảm tình hình căng thẳng hiện nay.
Chủ tịch EC cho biết bà sẽ cùng Thủ tướng Anh Boris Johnson thảo luận về vấn đề này. Phát biểu với các phóng viên cùng ngày, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell nêu rõ các vụ tấn công tên lửa sáng cùng ngày của Iran vào các căn cứ quân sự có binh lính Mỹ và liên quân quốc tế đồn trú tại Iraq này là một ví dụ về căng thẳng và thế đối đầu leo thang.
Ông nhấn mạnh không có bên nào được hưởng lợi trong vòng xoáy bạo lực mới này, đồng thời cảnh báo các diễn biến mới có thể gây tổn hại tới cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trung Quốc cùng ngày cũng ra tuyên bố hối thúc Mỹ và Iran kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nêu rõ tình hình Trung Đông đang ngày càng xấu và Bắc Kinh một lần nữa kêu gọi giải pháp hòa bình cho xung đột hiện nay.
Cũng trong ngày 8/1, theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã mạnh mẽ lên án các cuộc tấn công bằng tên lửa của Iran nhằm vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq vào sáng 8/1, đồng thời kêu gọi Tehran chấm dứt "vòng xoáy" xung đột.
Phát biểu trên truyền hình ARD của Đức, Bộ trưởng Kramp-Karrenbauer nhấn mạnh: "Chính phủ Đức lên án mạnh mẽ sự gây hấn này... Hiện chủ yếu phụ thuộc vào Iran trong việc kiềm chế leo thang thêm nữa".
Sau vụ tấn công tên lửa của Iran ở Iraq, Đức đã tạm rút một số binh sĩ trong tổng số 120 binh sĩ nước này ở Iraq. Theo đó, toàn bộ 32 binh sĩ Đức đồn trú tại doanh trại Taji gần thủ đô Baghdad được chuyển tới căn cứ không quân al-Azraq ở Jordan, ba binh sĩ được đưa tới Kuwait.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nêu rõ binh sĩ Đức triển khai tại Iraq là theo lời mời của Chính phủ và Quốc hội Iraq, và nếu điều này không còn, cơ sở pháp lý cho sự hiện diện của binh sĩ Đức cũng không còn.
Cùng ngày, Anh đã chỉ trích các vụ tấn công tên lửa của Iran vào các căn cứ quân sự ở Iraq, nơi các lực lượng liên quân do Mỹ đứng đầu (trong đó có quân nhân Anh) đồn trú. Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói: "Chúng tôi lên án vụ tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự Iraq có các lực lượng liên quân - bao gồm cả các lực lượng Anh, đồn trú. Chúng tôi hối thúc Iran không tái diễn hoạt động tấn công liều lĩnh và nguy hiểm này, thay vào đó theo đuổi việc khẩn trương giảm leo thang".
L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)