Nhận định về cán cân quyền lực thế giới trong năm 2020, Giám đốc Viện nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình Saltzman (SIWPS) đồng thời là Giám đốc Chương trình Chính sách an ninh quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ), Giáo sư Richard Betts cho rằng điểm đáng chú ý nhất là việc Mỹ và Trung Quốc tiếp tục thế đối đầu.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại New York, giáo sư Betts nêu rõ, lịch sử địa chính trị thế giới luôn đầy rẫy các yếu tố bất ngờ. Ở thời điểm hiện tại, dự báo đơn giản nhất về cán cân quyền lực toàn cầu có thể đưa ra là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp diễn. Trong khi đó, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên tiếp tục gia tăng và đó có thể là nguy cơ bất ổn chính trong quan hệ giữa Washington và khu vực Đông Á trong vài năm tới.
Triều Tiên hiện vẫn là điểm nóng nguy hiểm nhất và các nỗ lực giải quyết căng thẳng của Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang có vẻ quay trở lại chiều hướng tiêu cực. Mỹ đang gây sức ép với chính đồng minh Hàn Quốc khi yêu cầu chính quyền Seoul trả thêm rất nhiều chi phí quân sự.
Nhìn từ phía Washington, các nhân tố ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu trong năm tới sẽ là Trung Quốc, Nga, và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á, nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng sẽ có nhiều nhân tố nhỏ hoặc tầm trung lại đóng vai trò lớn trong việc gây ra khủng hoảng hay bất ổn mà Triều Tiên và Iran là các ví dụ điển hình. Ở mức độ hẹp hơn, đó là sự nổi lên của Nga và vấn đề bất ổn ở Ukraine.
Trong khi đó, theo giáo sư Betts, cuộc bầu cử tại Mỹ năm 2020 sẽ không dẫn đến những thay đổi chính sách và tác động lớn đến thế giới. Dù là chính quyền mới thuộc đảng nào, chính sách của tổng thống và nội các mới tại Washington cũng sẽ tầm trung vào các vấn đề chính trị nội bộ do nước Mỹ hiện rất chia rẽ, nhiều bất đồng lớn hiện nay giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đã khiến chính phủ tê liệt, không giải quyết được rất nhiều vấn đề trong nước.
Do đó, chính phủ mới sẽ phải tập trung giải quyết những vấn đề đó. Giáo sư Betts nhấn mạnh người Mỹ không quá quan tâm chính sách đối ngoại và các vấn đề bên ngoài đất nước họ. Chỉ khi có khủng hoảng và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến lớn, chẳng hạn như chiến tranh với Triều Tiên và vũ khí hạt nhân, nước Mỹ mới có thể tính toán tới việc thay đổi đường hướng của mình.
Theo TTXVN/Vietnam+