Ngày 1/1, lực lượng của Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) thông báo đã bắt giữ 25 binh sĩ của quân đội miền đông (LNA) ở khu vực phía nam thủ đô Tripoli, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa hai bên tiếp diễn.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, thông báo của quân đội GNA nêu rõ các lực lượng quân khu Tripoli đã bắt giữ 25 tay súng của LNA tìm cách xâm nhập vào các khu vực của thủ đô. Thông báo cũng cho biết các tay súng này đã đầu hàng và giao nộp vũ khí sau khi bị bao vây.
Cũng trong ngày 1/1, một người phát ngôn của GNA cho biết ít nhất 3 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong một vụ không kích nhằm vào thị trấn Al-Sawani, cách thủ đổ Tripoli 25km về phía nam.
Người phát ngôn Amin al-Hachemi cho biết vụ không kích cũng đã phá hủy nhiều cửa hàng, tòa nhà và phương tiện giao thông trong khu vực. Các nhóm vũ trang ủng hộ GNA cáo buộc LNA thực hiện vụ không kích này.
Libya hiện đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.
Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Từ tháng 4/2019, LNA phát động chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli. Đến nay, giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.
Dù không đạt nhiều tiến triển trong chiến dịch quân sự ở trung tâm Tripoli nhưng trong vài tuần trở lại đây phía LNA đã đẩy mạnh tấn công các khu vực lân cận Tripoli.
Hồi tuần trước, GNA đã chính thức đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ quân sự trên bộ, trên không và trên biển.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan luôn thể hiện sẵn sàng hỗ trợ GNA và đang thúc đẩy để quốc hội nước này thông qua dự luật triển khai quân tới Libya trong thời gian sớm nhất.
Khả năng xuất hiện yếu tố can thiệp từ Ankara khiến dư luận lo ngại cuộc nội chiến Libya sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và nguy cơ thảm hoạ nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.
Theo TTXVN/Vietnam+