Thứ Hai, 30/09/2024 22:39 CH
Sự cố Vịnh Oman: Nhật Bản đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng rõ ràng
Chủ Nhật, 16/06/2019 16:34 CH

Khói lửa bốc ngùn ngụt trên tàu chở dầu được cho là bị tấn công ngoài khơi vùng Vịnh Oman ngày 13/6 - Ảnh: AFP/TTXVN

* Giới chức EU, Iran họp bàn tháo gỡ căng thẳng hạt nhân

 

Theo Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã đề nghị Mỹ đưa ra bằng chứng cụ thể để chứng minh nhận định của Washington cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu gần eo biển Hormuz ngày 13/6 vừa qua.

 

Trong sự cố ngày 13/6, tàu chở dầu Front Altair của công ty vận tải Na Uy đã bị bốc cháy sau khi bị tấn công khi đang trên đường từ Qatar đi Đài Loan (Trung Quốc).

 

Ngay sau đó, tàu chở dầu Kokuka Courageous do Công ty Kokuka Sangyo có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản) vận hành cũng bị bốc cháy khi đang trên đường từ một cảng của Ả-rập Xê-út đến Singapore và Thái Lan.

 

Ông Yutaka Katada, Chủ tịch Kokuka Sangyo, cho biết các thủy thủ trên tàu Kokuka Courageous  đã nhìn thấy "vật thể bay" trước khi xảy ra vụ nổ trên boong. Toàn bộ 21 thủy thủ người Philippines trên tàu đã được sơ tán an toàn và đã trở lại tàu để hỗ trợ việc lai dắt tàu về cảng. 

 

Vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Iran nhằm tìm cách làm trung gian hòa giải căng thẳng giữa Iran và Mỹ. Vài giờ sau khi vụ việc xảy ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo quy kết Iran đã tấn công 2 tàu chở dầu trên, song không đưa ra bằng chứng.

 

Theo ông Pompeo, Mỹ đưa ra đánh giá này dựa trên "tin tình báo, vũ khí được sử dụng, mức độ chuyên môn cần thiết để thực hiện hành động này và nguồn lực sẵn có của Iran tại khu vực này”. Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã công bố đoạn video được cho là ghi hình một tàu tuần tra Iran đang gỡ mìn gài trên thành tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản. Iran đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc của Mỹ, khẳng định cáo buộc này là "vô căn cứ”.

 

Theo Kyodo, các quan chức Chính phủ Nhật Bản vẫn hoài nghi về nhận định của Mỹ. Một quan chức cấp cao của Chính phủ Nhật Bản cho rằng giải thích của Mỹ chưa giúp vượt qua sự suy đoán và không phải là những bằng chứng cụ thể về việc Iran đứng sau vụ này. Nhật Bản hiện đang tìm kiếm những bằng chứng rõ ràng thông qua nhiều kênh khác nhau. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nhiều khả năng sẽ đề nghị Mỹ cung cấp bằng chứng trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Pompeo vào ngày 21/6 tới.

 

Trong diễn biến có liên quan, hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran ngày 15/6 đưa tin nước này đã triệu đại sứ Anh sau khi London ra tuyên bố quy kết Iran tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua. ISNA cho biết trong cuộc làm việc giữa Đại sứ Anh với quan chức Bộ Ngoại giao Iran, Tehran đã “chỉ trích mạnh mẽ những cáo buộc vô căn cứ và lập trường không thể chấp nhận được của Anh về các vụ tấn công trên Vịnh Oman”. Ngoài ra, phía Iran cũng yêu cầu đại sứ Anh phải giải thích và đính chính lại thông tin.

 

Anh hiện là quốc gia duy nhất ủng hộ cáo buộc của Mỹ nói rằng Iran tấn công hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Anh đã lập tức bác bỏ thông tin trên, khẳng định không hề có chuyện Iran triệu Đại sứ Anh. Căng thẳng giữa hai bên bùng phát sau khi Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt hôm 15/6 ra tuyên bố lên án Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tiến hành vụ tấn công hai tàu chở dầu trên vịnh Oman.

 

Trong diễn biến khác, ngày 15/6, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã có cuộc gặp với quan chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Helga Schmid để thảo luận về tương lai của thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm nước P5+1. Bà Schmid là cấp phó của Đại diện cấp cao của EU phụ trách về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini.

 

Theo IRNA, tại cuộc gặp diễn ra ở thủ đô Tehran, hai bên không chỉ trao đổi quan điểm về thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, mà còn về các vấn đề khu vực và quốc tế.

 

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Iran đang tăng cao, đặc biệt sau hàng loạt những động thái cứng rắn gần đây của hai bên, cũng như việc Mỹ cáo buộc Trên thực tế. những căng thẳng nảy sinh từ cách đây hơn một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 và tái áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

 

Là một bên ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận hạt nhân, EU đã cam kết hỗ trợ Iran đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, đến nay giữa các bên vẫn chưa có được những bước đi mạnh mẽ, khiến Nhà nước Hồi giáo mất dần kiên nhẫn.

 

Nếu sau thời điểm này mà các bên vẫn không đạt được thỏa thuận, Iran sẽ khôi phục các hoạt động hạt nhân của mình. Những căng thẳng giữa Mỹ và Iran cũng là nguyên nhân kéo Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lần lượt tới Tehran trong tuần qua, nhưng đều chưa đem lại những kết quả cụ thể.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek