Chủ Nhật, 06/10/2024 21:23 CH
Hội nghị thượng đỉnh Sibiu định hình chiến lược EU hậu Brexit
Thứ Năm, 09/05/2019 17:08 CH

Nguồn: AFP

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, ngày 9/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu(EU) đã nhóm họp tại Sibiu, Romania, để khởi động một cuộc chạy đua giành các ghế lãnh đạo cao nhất ở Brussels và phác họa một tương lai EU không có nước Anh.

 

Trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) và nguy cơ làn sóng dân túy mới gây khó khăn cho tiến trình ra quyết định của EU, 27 nhà lãnh đạo quốc gia thành viên và các lãnh đạo EU tham dự hội nghị sẽ thảo luận chiến lược 5 năm tái xây dựng Liên minh cũng như thảo luận ai sẽ là người lãnh đạo khối.

 

Hội nghị lần này không có sự tham gia của Thủ tướng Anh Theresa May. Các quan chức cấp cao của Brussels thừa nhận dù có thể tồn tại một số bất đồng lớn, nhưng ít nhất việc nước Anh rời khỏi EU, còn gọi là Brexit, sẽ không chi phối cuộc thảo luận lần này. Phát biểu với báo giới, một quan chức cấp cao của châu Âu tham gia chương trình nghị sự của Sibiu khẳng định đây là một Hội nghị thượng đỉnh không có vấn đề Brexit.

 

Được tổ chức vào ngày 9/5 để đánh dấu kỷ niệm ngày thành lập Liên minh Than và Thép - tiền thân của EU - vào năm 1950, hội nghị được trông đợi sẽ ra được Tuyên bố Sibiu. Tuyên bố này sẽ là một văn kiện ngắn bao gồm 10 cam kết tổng thể về cải cách trong các lĩnh vực khác nhau, được một số nhà ngoại giao Brussels gọi là "10 điều răn" cho Hội đồng châu Âu (EC) nhiệm kỳ tiếp theo.

 

Tuy nhiên, mỗi nhà lãnh đạo tham dự hội nghị đều có những ưu tiên riêng của mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang thúc đẩy một chương trình nghị sự đầy tham vọng về môi trường, trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban bất hòa với các lãnh đạo khác về vấn đề nhập cư. Vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh lần này được cho là sẽ không thể đưa ra các quyết định lớn đặc biệt, song các nhà lãnh đạo sẽ xác định một chương trình nghị sự chiến lược mới cho EU cho đến năm 2024.

 

Chủ tịch EC Donald Tusk, chủ trì Hội nghị thượng đỉnh, cũng sẽ chuẩn bị “một chương trình chiến lược” cho các nhà lãnh đạo thảo luận chi tiết hơn, tiến tới phê chuẩn kế hoạch tại Hội nghị thượng đỉnh chính thức vào tháng 6 tới. Ông Tusk thừa nhận sẽ khó tìm được tiếng nói chung tại hội nghị lần này, khi chỉ còn 2 tuần nữa là đến bầu cử EP và các lãnh đạo quốc gia thành viên cũng là đại diện cho các nhóm đảng bảo thủ, xã hội, tự do và dân túy đang tranh ghế tại EP vào cuối tháng này.

 

Vấn đề quan trọng khác thu hút các cuộc vận động hành lang tại Brussels là việc đổi mới nhiệm kỳ 5 năm cho các vị trí chủ chốt của EU. Ngay sau cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra từ ngày 23-26/5, các nhà lãnh đạo sẽ bắt đầu tiến hành thương lượng về việc ai sẽ trở thành người lãnh đạo Ủy ban châu Âu và EC. Họ cũng sẽ xem xét nhiệm kỳ của chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu và Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại.

 

5 năm trước đây, châu Âu đã phải mất 3 tháng và 3 hội nghị thượng đỉnh để chốt lại các vị trí lãnh đạo sau một quy trình ngoại giao phức tạp. Do đó, Chủ tịch EC Donald Tusk hy vọng sẽ đẩy nhanh giải quyết vấn đề bằng cách đặt ra các quy tắc nền tảng ngay từ cuộc họp tại Sibiu này.

 

Tìm kiếm người thay thế chức Chủ tịch EC sẽ là việc khó khăn nhất, trong bối cảnh mâu thuẫn căng thẳng giữa các thể chế Brussels và các quốc gia thành viên về cách chọn ứng cử viên. Các nhóm chính trị trong EP ủng hộ cách thức chọn người đứng đầu nhóm ứng cử viên, theo đó lãnh đạo phe giành được nhiều ghế nhất sau cuộc bầu cử sẽ trở thành người đứng đầu EC.

 

Tuy nhiên, Hiệp ước về EU quy định rằng trước tiên lãnh đạo các quốc gia thành viên phải đồng ý về một ứng cử viên - sau các cuộc tham vấn thích hợp - và chỉ sau đó, ứng viên sẽ được EP mới xem xét chấp thuận. Nhiều người dự đoán ông Tusk sẽ công bố tại Sibiu kế hoạch tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU vào ngày 28/5, hai ngày sau cuộc bầu cử, để bắt đầu quá trình lựa chọn một ứng cử viên cho chiếc ghế chủ tịch EC.

 

Tại Anh, với cam kết mạnh mẽ phản đối Brexit, ngày 8/5, Đảng Xanh đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử vào EP. Các nhà lãnh đạo của Đảng Xanh đã hối thúc cử tri nói "Có" với châu Âu và nói "Không" với biến đổi khí hậu.

 

Trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương ngày 3/5 vừa qua tại Anh, các chính khách của đảng này đã giành được 185 ghế trong bối cảnh cử tri tức giận với chính sách của hai chính đảng lớn là đảng Bảo thủ cầm quyền và Công đảng đối lập.

 

Trước đó, ngày 7/5, Phó Thủ tướng Anh David Lidington khẳng định London tham gia các cuộc bầu cử EP, dự kiến diễn ra ngày 23/5 tới, bất chấp kết quả đàm phán giữa chính phủ với Công đảng đối lập liên quan đến thỏa thuận Brexit.

 

Anh hiện rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sau khi cơ quan lập pháp nước này 3 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Theresa May đạt được các nhà lãnh đạo EU hồi tháng 11/2018. Cho đến nay, vẫn chưa rõ thời điểm Anh sẽ rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu hay thậm chí London có rời khỏi EU hay không.

 

Trước đó, EU đã chấp thuận đề xuất của Thủ tướng May lùi thời hạn Brexit đến ngày 31/10 tới để tạo điều kiện cho London tìm kiếm sự đồng thuận trong nước về một thỏa thuận Brexit nhằm tránh "Brexit cứng" - một kịch bản cả Anh và EU đều không mong muốn do những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế của cả hai bên.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek