Ngày 9/4, phát biểu tại cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya đã kêu gọi các nhà điều tra của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) bay tới Syria ngay trong ngày 10/4, đồng thời khẳng định binh sĩ Syria và Nga sẽ hộ tống họ tới khu vực bị tình nghi đã xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học.
Phát biểu tại phiên họp về những thông tin liên quan đến cáo buộc sử dụng vũ khí học tại Syria, đại sứ Nebenzya cho rằng Mỹ, Anh và Pháp đang mở một chiến dịch đe dọa nước Nga bằng những cáo buộc về sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, và sự đối đầu đã vượt quá mức có thể chấp nhận được ngay cả trong thời kỳ Chiến tranh lạnh.
Ông Nebenzia nói: "Giới lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp đang bất chấp lý lẽ và không thèm đếm xỉa đến hậu quả, can dự vào một chính sách đối đầu chống lại Nga và Syria, đồng thời xúi giục những nước khác theo gót họ”. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga khẳng định những thông tin xoay quanh vụ tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria là hoàn toàn giả mạo, đồng thời cảnh báo mọi hoạt động quân sự tiến hành dựa trên "chứng cứ giả mạo hoặc bịa đặt" có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Phát biểu trước các phóng viên sau phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ Nebenzia cho biết, Nga đã phản đối đề xuất mới mà Mỹ đưa ra tại Liên Hợp Quốc ngày 9/4 về việc thiết lập một cuộc điều tra mới để xác định thủ phạm tiến hành các vụ nghi tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria hôm 7/4.
Đại sứ Nebenzia dự thảo của Mỹ "bao hàm một số nội dung không thể chấp nhận được, do đó văn bản mới còn tồi tệ hơn" so với đề xuất mà Mỹ nêu trước đó hồi tháng 3. Đại sứ Nga nói: "Từ những gì mà chúng tôi nghe được, tôi lo ngại rằng họ đang lên phương án quân sự, điều cực kỳ nguy hiểm”. Tại phiên họp của Hội đồng Bảo an, ông Nebenzia đã cảnh báo rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhằm vào Syria có thể gây "hậu quả nghiêm trọng" đồng thời nhấn mạnh chưa xác định được vụ tấn công vừa qua có sử dụng vũ khí hóa học hay không.
Theo các nguồn tin ngoại giao, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley muốn Hội đồng Bảo an bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết của Mỹ trong ngày 10/4. Dự thảo nghị quyết mà Mỹ mới cho lưu hành này tương tự bản dự thảo mà Mỹ đề xuất hồi tháng 3 vừa qua và bị Nga bác bỏ. Theo dự thảo nghị quyết, Cơ chế điều tra độc lập của Liên Hợp Quốc (UNIMI) sẽ được thành lập trong 1 năm và phối hợp với Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) để xác định thủ phạm gây ra các vụ tấn công hóa học tại Syria.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ đề nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres trong vòng 30 ngày vạch ra phương án hoạt động của UNIMI "dựa trên các quy tắc công bằng, độc lập và chuyên nghiệp".
Trong bài phát biểu mở màn phiên họp công khai, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura cảnh báo những sự kiện thảm khốc gần đây đã làm leo thang những căng thẳng toàn cầu, đẩy các lực lượng trong nước, khu vực và quốc tế "vào những tình huống nguy hiểm của sự đối đầu tiềm tàng hoặc trên thực tế”. Theo ông, những diễn biến gần đây "hàm chứa nhiều hơn bao giờ hết những mối đe dọa" mà Tổng Thư ký Antonio Guterres đã cảnh báo gần đây, đó là những ranh giới chia cắt Trung Đông và những lợi ích xung đột lẫn nhau giữa cả những cường quốc khu vực và thế giới.
Ông nhắc lại quan ngại của Tổng Thư ký Guterres rằng những căng thẳng leo thang "có thể gây ra những hậu quả cực kỳ thảm khốc mà chúng ta thậm chí khó có thể mường tượng được”. Đặc phái viên nhấn mạnh: "Hội đồng Bảo an không thể để Syria rơi vào tình huống leo thang không thể kiểm soát nổi trên bất kỳ mặt trận nào. Thay vào đó, chúng ta phải đoàn kết và giải quyết hòa bình và an ninh quốc tế”.
Trong diễn biến có liên quan, ngày 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có rất nhiều lựa chọn về mặt quân sự đối với Syria và sẽ hành động nhanh chóng và mạnh mẽ nhằm đáp trả vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Giới phân tích cho rằng tuyên bố trên của Tổng thống Trump ám chỉ một giải pháp quân sự đối với Syria.
Phát biểu với các tướng lĩnh quân sự và cố vấn an ninh quốc gia, Tổng thống Trump cho biết sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong tối 9/4 (tức sáng 10/4 - theo giờ Việt Nam) hoặc ngay sau đó. Trong khi đó, các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Washington đang cân nhắc phương án quân sự đa phương nhằm đáp trả vụ tấn công mà Mỹ cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria. Tuy nhiên, Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối xác nhận thông tin trên.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, điều đầu tiên phải xem xét là tại sao vũ khí hóa học vẫn đang được sử dụng và hiện Mỹ đang phối hợp với các đồng minh và đối tác từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Qatar để giải quyết vấn đề trên. Ông không loại trừ khả năng Mỹ sẽ tiến hành giải pháp quân sự đối với Syria, trong đó có việc không kích quốc gia Trung Đông này.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Sullivan điện đàm lần thứ 2 trong ngày với Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về vụ tấn công bị nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Douma, Syria. Hai quan chức ngoại giao đã thảo luận biện pháp đáp trả của cộng đồng quốc tế và các bước đi tiếp theo mà hai chính phủ định phối hợp với các đối tác.
Liên quan đến tình hình tại Syria, ít nhất 13 dân thường đã thiệt mạng và khoảng 80 người khác bị thương trong một vụ nổ lớn làm sập một tòa nhà xảy ra ởTP Idlib, miền tây bắc Syria ngày 9/4.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), số người thiệt mạng có khả năng tiếp tục tăng do nhiều người bị thương nặng và nhiều người khác vẫn mắc kẹt trong đống đổ nát. SOHR cũng cho biết nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được xác định.
Hiện các lực lượng cứu hộ vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân bằng đèn trong bóng tối. Xe ủi đất cũng đã được điều đến hiện trường. Hơn 350.000 người Syria đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến kéo dài suốt 7 năm qua này.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)