* Triều Tiên đàm phán với Liên Hợp Quốc về các khoản phí chưa thanh toán
Đàm phán quân sự có thể là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sau chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Triều Tiên, trong đó có cả em gái của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Hàn Quốc.
Đây là nhận định của một quan chức thuộc Phủ tổng thống Hàn Quốc đưa ra khi trả lời hãng thông tấn Yonhap ngày 13/2. Theo quan chức trên, hai miền Triều Tiên có thể thúc đẩy những gì hai bên đã nhất trí. Nhiều khả năng đầu tiên họ sẽ tổ chức đàm phán quân sự cấp chuyên viên, sau đó nâng dần cấp đàm phán. Quan chức này cũng cho rằng viện trợ nhân đạo có thể bị gạt sang một bên do Triều Tiên từ chối điều này.
Trong khi đó, tờ Washington Post số ra ngày 12/2 đăng tải bài phỏng vấn Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi ông trên chuyên cơ trở về nước sau khi tham dự Olympic mùa đông PyeongChang ở Hàn Quốc, trong đó khẳng định Mỹ sẵn sàng đối thoại trực tiếp với Triều Tiên trong khi vẫn duy trì việc gây sức ép tối đa nhằm buộc nước này phải từ bỏ chương trình hạt nhân.
Phó Tổng thống Pence khẳng định quan điểm của Washington là sẽ không dỡ bỏ việc gây áp lực cho đến khi Bình Nhưỡng thể hiện động thái mà các đồng minh của Mỹ cho là bước đi có ý nghĩa hướng đến phi hạt nhân hóa. Vì vậy, chiến dịch gây áp lực tối đa vẫn đang được duy trì và tăng cường. Tuy nhiên, nếu Triều Tiên muốn đối thoại, Mỹ cũng sẽ đối thoại. Phó Tổng thống Pence gọi hình thức này là "gây sức ép và can dự cùng thời điểm”.
Tờ Washington Post coi đây là "một sự thay đổi quan trọng" so với quan điểm trước đây của Mỹ, theo đó, các đồng minh và đối tác của Mỹ gây sức ép tối đa cho đến khi Bình Nhưỡng có những nhượng bộ thực sự và chỉ can dự trực tiếp sau đó. Các nguồn tin cho biết trong thời gian ở châu Á, Phó Tổng thống Pence hàng ngày đều tham vấn Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Cũng trong ngày 13/2, phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng cho biết trong cuộc gặp bên lề lễ khai mạc Olympic PyeongChang, ông và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nhất trí cần phải duy trì việc gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên.
Trong khi đó, Kyodo đưa tin, giới chức cấp cao Nhật Bản ngày 13/2 cho biết nước này và Mỹ tiếp tục chia sẻ quan điểm chung về Triều Tiên, kể cả sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng mà không kèm theo điều kiện tiên quyết. Hôm 12/2, tờ Washington Post dẫn phát biểu của ông Pence sau chuyến thăm Hàn Quốc để tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018, Phó Tổng thống Mỹ cho biết Washington sẽ gây sức ép tối đa về ngoại giao và kinh tế đối với Bình Nhưỡng song song với việc để ngỏ khả năng đàm phán.
Chính phủ Nhật Bản nhắc lại rằng không nên tổ chức cuộc đối thoại nào với Triều Tiên cho đến khi Bình Nhưỡng nhất trí có những thay đổi về chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay Tokyo và Washington vẫn duy trì quan điểm chung về vấn đề này.
Khi được hỏi về phát biểu của ông Pence, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cũng khẳng định không có thay đổi cụ thể nào về chính sách. Ngoại trưởng Kono nói: "Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc đang phối hợp rất chặt chẽ để tiếp tục gây sức ép tối đa với Triều Tiên”. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho rằng ông Pence tiếp tục duy trì quan điểm mục tiêu của chiến dịch gây sức ép là khiến Bình Nhưỡng thay đổi các chính sách hạt nhân và tên lửa của họ.
Trong diễn biến khác, theo Yonhap, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 13/2 thông báo Seoul trong tuần này sẽ xem xét hỗ trợ tài chính cho đoàn vận động viên của Triều Tiên tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang. Hội đồng Xúc tiến Hợp tác và Trao đổi Hàn Quốc và Triều Tiên sáng 14/2 sẽ nhóm họp để thảo luận về việc thanh toán chi phí tham gia Thế vận hội trị giá 2,9 tỉ won (tương đương 2,7 triệu USD) cho Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon sẽ chủ trì cuộc họp này. Nếu được thông qua, Seoul sẽ sử dụng ngân sách dành cho hợp tác liên Triều và bao luôn những chi phí của hàng trăm công dân Triều Tiên tới Hàn Quốc tham dự Thế vận hội. Ngoài ra theo bộ này, vấn đề liệu có tài trợ đoàn vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội người khuyết tật PyeongChang vào tháng 3 tới sẽ được thảo luận trong một cuộc họp riêng rẽ khác.
Trong một động thái riêng rẽ, theo AFP, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 12/2 cho biết tổ chức quốc tế này đang đàm phán với Triều Tiên về các khoản phí chưa trả, khoản tiền mà Bình Nhưỡng cho rằng không thể thanh toán do các biện pháp trừng phạt ngân hàng chống nước này.
Đại sứ Triều Tiên Ja Song Nam ngày 9/2 đã gặp người đứng đầu bộ phận quản lý của Liên Hợp Quốc để thảo luận về các khoản tiền mà Bình Nhưỡng nợ tổ chức quốc tế này. Trong một tuyên bố, phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt "bất hợp pháp" vì ngăn cản Bình Nhưỡng "tôn trọng nghĩa vụ của nước này với tư cách một quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc”.
Triều Tiên vẫn khăng khăng cho rằng nước này không thể chuyển khoản nợ gần 121.500 USD cho Liên Hợp Quốc sau khi Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên, doanh nghiệp thực hiện hầu hết các giao dịch ngoại hối của Bình Nhưỡng, đã bị đưa vào danh sách đen trừng phạt hồi tháng 8/2017.
Theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc, người đứng đầu bộ phận quản lý của Liên Hợp Quốc Jan Beagle đã khẳng định với đại sứ Triều Tiên rằng "Liên Hợp Quốc sẽ làm việc với họ để cố gắng tìm cách giúp Bình Nhưỡng có thể trả khoản tiền trên”. Theo quy định, các quốc gia không trả phí cho Liên hợp quốc có thể bị mất quyền bỏ phiếu tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, nếu tổng số tiền nợ lớn hơn số tiền đóng góp của hai năm trước đó.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)