* Liên Hợp Quốc tiếp tục cảnh báo về thảm họa nhân đạo tại Syria
Ngoại trưởng Kazakhstan Kairat Abdrakhmanov thông báo vòng đàm phán hòa bình tiếp theo về Syria sẽ có thể diễn ra vào tháng 3 tới, sau cuộc họp Ngoại trưởng của các nước bảo trợ là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Phát biểu với báo giới sau phiên họp chính phủ ngày 13/2, Ngoại trưởng Abdrakhmanov nêu rõ: "Chúng tôi đã nhận được thông tin từ đối tác Nga rằng các quốc gia bảo trợ cho hội nghị Astana, gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, có ý định tổ chức cuộc họp cấp Ngoại trưởng và địa điểm có thể là Astana. Thời gian và chương trình cụ thể đang được thảo luận chi tiết. Vòng tiếp theo của tiến trình Astana dự kiến được tổ chức sau cuộc họp cấp ngoại trưởng nói trên”.
Trong năm 2017, tổng cộng tám vòng đàm phán về cuộc khủng hoảng Syria đã được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi cơ chế ngừng bắn trên toàn quốc tại Syria.
Cơ chế đàm phán này đã mở đầu năm 2018 với Đại hội đối thoại dân tộc Syria, diễn ra ngày 31/1 tại Sochi (Nga), với kết quả là thông qua ba văn kiện quan trọng, gồm tuyên bố chung, lời kêu gọi của các đại biểu và danh sách Ủy ban soạn thảo Hiến pháp.
Các bên tham gia Đối thoại dân tộc Syria đã thông qua tuyên bố chung nêu rõ “Syria phải là một quốc gia dân chủ và không phe phái... không phân biệt tôn giáo, sắc tộc và giới tính,” đồng thời nhấn mạnh sự tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của Syria, đảm bảo quyền lợi của tất cả các nhóm sắc tộc và tôn giáo, tiến hành quá trình chính trị mà theo đó, người dân Syria tự quyết định vận mệnh của mình, không có sự can thiệp từ bên ngoài và xác định tương lai của đất nước thông qua bầu cử. Đây là nội dung thể hiện quan điểm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria phải mang lại lợi ích thực chất cho người dân Syria.
Trong diễn biến khác, ngày 12/2, Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình khủng hoảng nhân đạo tại Syria đang ngày càng trầm trọng do diễn biến xung đột tại quốc gia Trung Đông này vẫn rất phức tạp.
Giới chức quốc tế bày tỏ quan ngại về căng thẳng quân sự tại Syria, bao gồm cả việc Israel tiến hành hàng chục vụ không kích nhằm vào "các vị trí của Iran" bên trong lãnh thổ Syria. Tình hình có thể nghiêm trọng hơn và diễn ra trên diện rộng.
Trong khi đó, quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Syria, bà Elizabeth Hoff, cho biết hiện có hơn 700 bệnh nhân bị mắc kẹt tại khu vực phía đông của TP Ghouta đang chờ được sơ tán. Kể từ tháng 5/2017, WHO đã gửi đi 11 yêu cầu sơ tán khẩn cấp những trường hợp này, song mới chỉ 29 người được sơ tán vào tháng 12 năm ngoái.
Theo bà Hoff, tình hình tại Ghouta rất tồi tệ, lực lượng cứu trợ nhân đạo và hàng hóa cứu trợ đã không thể tiếp cận khu vực này từ ngày 28/11/2017, trong khi thiếu nhân viên y tế tại chỗ.
Trước đó, điều phối viên về vấn đề cứu trợ đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Ali al-Za'tari, cho hay cơ quan này đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức trong vòng ít nhất một tháng để triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc chưa nhận được phản hồi nào.
Ông nhấn mạnh bạo lực bùng phát đã cướp đi sinh mạng và bị thương hàng trăm dân thường, tàn phá các cơ sở hạ tầng, bao gồm cả các cơ sở y tế.
Ông cảnh báo trong bối cảnh Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bật ra khỏi hầu hết các khu vực trên lãnh thổ Syria, nguy cơ về một cuộc chiến mới với sự tham gia của nhiều bên lại rình rập, có thể leo thang thành các cuộc xung đột mới.
H.T (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)