Iran ngày 8/1 tuyên bố có thể sẽ xem xét lại hợp tác của nước này với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc nếu Mỹ không tôn trọng các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc trên thế giới, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA).
Trong cuộc điện đàm với Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi nêu rõ: "Nếu Mỹ không tuân thủ các cam kết trong JCPOA, Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ đưa ra những quyết định có thể ảnh hưởng tới quan hệ hợp tác hiện tại với IAEA”.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị An ninh Tehran, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cũng cho rằng Washington tìm cách phá thỏa thuận hạt nhân và cộng đồng quốc tế cần phải chuẩn bị cho khả năng Mỹ rút khỏi JCPOA. Ông Salehi nhấn mạnh nếu chính quyền Mỹ quyết định vi phạm thỏa thuận hạt nhân, cộng đồng quốc tế và khu vực sẽ là những bên thất bại nhất.
Các tuyên bố trên của giới chức Iran được đưa ra sau khi truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ quyết định Washington rút khỏi JCPOA vào ngày 13/1 tới.
Liên quan đến thỏa thuận này, Liên minh châu Âu (EU) đã đề nghị Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tham gia hội đàm với người đồng cấp Anh, Pháp, Đức và EU về JCPOA vào ngày 11/1 tới.
Thông báo của EU cho biết Đại diện cấp cao phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh của EU Federica Mogherini sẽ chủ trì cuộc gặp nhằm đảm bảo việc thực thi toàn diện và liên tục đối với thỏa thuận JCPOA này.
JCPOA được Iran ký kết với nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015, dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế các hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế.
IAEA đảm nhận việc giám sát sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân JCPOA. Tổ chức này đã tám lần chứng nhận Iran tuân thủ thỏa thuận này. Tuy nhiên, ngày 13/10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố không công nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và cho rằng thỏa thuận này quá nhân nhượng Iran.
Với động thái này của Tổng thống Trump, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để cân nhắc có áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran hay không, cho dù việc này là vi phạm JCPOA. Trong hai tháng qua Quốc hội Mỹ không có động thái nào, vì vậy vấn đề hiện nay phụ thuộc vào Tổng thống, theo đó thời hạn để ông Trump đưa ra quyết định là giữa tháng 1 này.
Trong diễn biến khác, theo Sputniknews, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis khẳng định Washington "không chỉ trích" người dân Iran mà với chính quyền Tehran. Ông Mattis cho rằng làn sóng biểu tình quy mô lớn vào cuối năm 2017 cho thấy người dân Iran đang "không tin tưởng" những lời lẽ của chính phủ nước này.
Phát biểu với báo giới tại Lầu Năm Góc, ông Mattis đã bày tỏ sự ủng hộ đối với làn sóng biểu tình tại Iran giống như nhiều quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng, trong đó có Tổng thống Donald Trump. Ông Mattis nhấn mạnh: "Tôi nghĩ chúng ta cần phải đứng lên để nói rằng Mỹ hoàn toàn hiểu người dân Iran. Sự chỉ trích của Mỹ, nếu có, không phải dành cho người dân Iran. Điều đó dành cho chính quyền Tehran, những người đang làm nhân dân Iran cảm thấy bất mãn”.
Ông Mattis khẳng định người dân Iran phải được quyết định về chính phủ mà họ mong muốn. Bộ trưởng Mattis nói thêm: "Rõ ràng người dân Iran đang không tin vào cuộc cách mạng, xuất khẩu chủ nghĩa khủng bố hay bất cứ những gì mà chính quyền cách mạng Tehran gọi tên. Họ đang không tin vào điều đó tại quê nhà. Chúng tôi không tin vào điều đó trên trường quốc tế".
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)