* Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc tới Mỹ bàn về Triều Tiên
Ngày 9/1, Triều Tiên đồng ý sẽ cử một phái đoàn lớn tham gia Thế vận hội (Olympic) mùa đông tại PyeongChang diễn ra từ ngày 9-25/2 tới.
Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung đã thông báo với báo giới nội dung trên trong khi cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên trong hơn 2 năm qua đang diễn tại tại làng đình chiến Panmunjeom ở biên giới hai miền. Theo Thứ trưởng Chun Hae-sung, phía Triều Tiên đề xuất cử một phái đoàn gồm đoàn Ủy ban Olympic Quốc gia, các vận động viên điền kinh, những người cổ vũ, các đội biểu diễn nghệ thuật, một đội thi đấu taekwondo và các nhà báo tham dự Thế vận hội. Thứ trưởng Chun Hae-sung cũng cho biết phía Hàn Quốc đã đề xuất trong tháng tới nối lại hoạt động đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, đồng thời tổ chức các cuộc đối thoại quân sự giữa hai miền.
Trong khi đó, Reuters đưa tin, ngày 9/1, Hàn Quốc cho biết sẽ cân nhắc việc tạm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nếu cần thiết, nhằm tạo điều kiện cho phái đoàn Triều Tiên tới tham dự Thế vận hội PyeongChang 2018 vào tháng tới. Phát biểu tại một buổi họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Roh Kyu-deok cho biết nếu nước này cần phải "chuẩn bị trước" để tạo điều kiện cho phái đoàn Triều Tiên tham dự Thế vận hội, Seoul sẽ cùng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và những quốc gia liên quan cân nhắc việc tạm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Trong bối cảnh Triều Tiên và Hàn Quốc ngày 9/1 tiến hành cuộc đàm phán cấp cao đầu tiên sau hơn 2 năm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết Trung Quốc ủng hộ những động thái tích cực của Seoul và Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ song phương, đồng thời hy vọng cộng đồng quốc tế giúp đỡ hai miền Triều Tiên.
Tuyên bố của ông Lục Khảng ngày 8/1 nêu rõ Trung Quốc hy vọng hai miền Triều Tiên có thể hợp tác để tìm ra một giải pháp nhằm giảm căng thẳng, thúc đẩy sự tin tưởng và nối lại đối thoại. Theo ông Lục Khảng, Trung Quốc luôn đóng vai trò tích cực và không ngừng nỗ lực tìm cách giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình trên bán đảo Triều Tiên và làm việc với các bên để thúc đẩy hòa đàm.
Liên quan cuộc đàm phán liên Triều nói trên, ông Brian Hook, cố vấn chính sách cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ cho rằng còn quá sớm để đánh giá liệu kết quả cuộc đàm phán này có thể dẫn tới thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với Bình Nhưỡng hay không. Theo Yonhap, cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đưa ra nhận định trên trong cuộc họp báo qua điện thoại với các nhà báo châu Á. Theo ông Hook, chiến dịch gia tăng sức ép của Mỹ đối với Triều Tiên sẽ vẫn tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu trong chính sách ngoại giao của Washington.
Đề cập cuộc đàm phán đang diễn ra, ông Brian Hook nhấn mạnh chưa thể xác định được "liệu đây có phải là khởi đầu của một điều gì đó hay không". Ông nói: "Chúng ta chưa biết Triều Tiên mang những gì đến cuộc thảo luận này. Liệu họ chỉ muốn nói về Olympic hay còn muốn nói về vấn đề gì khác”.
Theo ông Braian Hook, Tổng thống Mỹ Donald Trump "hy vọng có được một diễn biến tích cực từ cuộc đàm phán”. Ông nhấn mạnh "đây mới chỉ là khởi đầu, và chúng tôi tin rằng nếu có thể có được một điều gì đó từ cuộc đàm phán thì đó sẽ là một điều tốt đẹp”. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ dự đoán có lẽ phần lớn cuộc gặp sẽ chỉ xoay quanh vấn đề Olympic.
Trong diễn biến có liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8/1 thông báo Trưởng phái đoàn Hàn Quốc tham gia đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông Lee Do Hoon, sẽ có mặt tại Washington từ ngày 10-12/1 để thảo luận với giới chức Mỹ về cách giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết theo kế hoạch ông Lee Do Hoon, cũng là đặc phái viên Hàn Quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, sẽ gặp ông Joseph Yun, Đại diện đặc biệt về chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên, cùng những quan chức quan trọng khác liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Dự kiến, ông Lee sẽ chia sẻ đánh giá của Seoul về tình hình bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh giới chức cao cấp hai miền Triều Tiên tiến hành cuộc đàm phán đầu tiên sau hơn 2 năm.
Trước đó cùng ngày, ông Lee đã họp tại Seoul với Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Nhật Bản - Vụ trưởng Vụ các vấn đề châu Á và châu Đại Dương thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Kenji Kanasugi. Hai bên đã nhất trí mở rộng những nỗ lực ngoại giao theo hướng thúc đẩy để “đà tiến hòa bình” gần đây trên bán đảo Triều Tiên có thể dẫn đến giải pháp tối ưu.
Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera đã thảo luận về việc gia tăng sức ép đối với Triều Tiên để buộc chính quyền Bình Nhưỡng thay đổi đường lối. Trong một tuyên bố đưa ra sau cuộc điện đàm giữa hai bộ trưởng quốc phòng, người phát ngôn Dana White cho biết "Bộ trưởng Mattis và người đồng cấp Onodera đã lên án những hành động liều lĩnh và bất hợp pháp của Triều Tiên. Hai bộ trưởng đã thảo luận về tầm quan trọng của việc tăng cường sức ép để buộc Triều Tiên thay đổi đường lối, tránh những hành động khiêu khích và đe dọa, đồng thời đưa ra quyết định chiến lược về từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa”. Trong cuộc điện đàm, hai bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và hợp tác với các đối tác đa quốc gia trong chiến dịch gây sức ép đối với Bình Nhưỡng.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)