Tân Hoa xã đưa tin Thủ lĩnh phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas Ismail Haneya ngày 2/1 đã kêu gọi các bên liên quan vạch ra "một chiến lược đối đầu toàn diện" để đánh bại những động thái gần đây của Mỹ và Israel về Jerusalem.
Trong một thông cáo báo chí qua thư điện tử, thủ lĩnh Haneya cho biết dựa vào cuộc nổi dậy đang diễn ra của người Palestine chống Israel, chiến lược này nên chuẩn bị một chương trình hợp nhất người Palestine, Ả-rập và Hồi giáo để chống lại những quyết định về Jerusalem.
Bên cạnh đó, ông Haneya cũng kêu gọi các quốc gia ủng hộ Palestine và phản đối những chính sách của Mỹ trong khu vực nhằm cùng tham gia chiến lược hợp nhất này.
Thủ lĩnh Hamas nhấn mạnh: "Chiến lược này cần chúng tôi tiến theo 2 con đường. Một là tuyên bố khai tử cái gọi là tiến trình hòa bình và hai là chấm dứt tất cả những hình thức bình thường hóa quan hệ với kẻ thù theo chủ nghĩa Do Thái”.
Ông nhấn mạnh cả Tổng thống Mỹ Donald Trump lẫn đảng Likud cầm quyền của Israel đều "sẽ không thể thay đổi hiện trạng hay những đặc điểm của Jerusalem, nơi luôn có thể diện và đặc tính của người Palestine, Ả-rập và Hồi giáo".
Cùng ngày 2/1, Tổng thống Trump thừa nhận tiến trình hòa bình Trung Đông đang gặp khó khăn, đồng thời đề cập khả năng Mỹ ngừng viện trợ cho Palestine, cho rằng phía Palestine "không còn thiện chí hòa đàm" với Israel. Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twittter cá nhân, ông Trump cho rằng "mỗi năm Mỹ trả cho Palestine hàng triệu USD nhưng không được đánh giá cao hay tôn trọng". Ông nhấn mạnh phía Palestine "thậm chí không muốn đàm phán về một hiệp định hòa bình lâu dài với Israel. Vậy tại sao Mỹ phải trả khoản tiền lớn như vậy trong tương lai”.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên sau khi đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley trước đó cùng ngày tiết lộ với báo giới rằng Tổng thống Trump không muốn cấp thêm bất cứ khoản tài trợ bổ sung nào cho cơ quan Liên Hợp Quốc phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, hoặc có thể ngừng cung cấp tài chính cho cơ quan này, cho đến khi Palestine đồng ý quay trở lại đàm phán với Israel.
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho Cơ quan Cứu trợ và Hành động của Liên Hợp Quốc (UNRWA) phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, với cam kết gần 370 triệu USD trong năm 2016.
Diễn biến trên cho thấy triển vọng cho hòa bình Trung Đông càng khó khăn hơn. Tổng thống Trump tháng trước chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, gây ra làn sóng phản đối từ nhiều nước và tổ chức trên thế giới trong đó có Liên minh châu Âu (EU), Nga, Trung Quốc, các nước Ả-rập và các nước Hồi giáo coi đó là một bước đi nguy hiểm đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố "Mỹ không còn là nhà trung gian hòa giải" cho tiến trình hòa bình Trung Đông và phía Palestine sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa giải nào của Washington.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tiến hành bỏ phiếu về dự thảo nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết với 128 phiếu thuận, chín phiếu chống và 35 phiếu trắng. Tại Hội đồng Bảo an, 14/15 nước ủy viên đã bỏ phiếu tán thành, trong khi Mỹ đã sử dụng quyền phủ quyết đối với dự thảo này.
H.T (tổng hợp từ Vietnam+)