* Triều Tiên tìm cách làm suy yếu các biện pháp trừng phạt quốc tế
Ngày 3/1, Triều Tiên thông báo sẽ mở lại đường dây liên lạc liên Triều vốn bị ngừng hoạt động từ năm 2016, để có thể tiến hành các cuộc đàm phán theo đề nghị từ phía Hàn Quốc.
Theo đài phát thanh nhà nước Triều Tiên, người đứng đầu cơ quan phụ trách giải quyết các vấn đề liên Triều thông báo sẽ mở kênh đối thoại tại làng đình chiến Panmunjom ở biên giới hai nước vào lúc 15 giờ 00 (giờ địa phương), tức 13 giờ 00 (giờ Việt Nam). Động thái trên của Triều Tiên diễn ra giữa lúc quan hệ liên Triều có nhiều tín hiệu tích cực.
Cùng ngày 3/1, phủ tổng thống Hàn Quốc đã lên tiếng hoan nghênh kế hoạch của Triều Tiên về việc mở lại đường dây nóng liên lạc giữa hai nước, gọi đây là bước đi "có ý nghĩa rất quan trọng" hướng tới đối thoại trực tiếp và thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí Yoon Young-chan của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết kế hoạch này của Triều Tiên phát đi tín hiệu về một động thái hướng tới một môi trường, trong đó liên lạc sẽ có thể được thực hiện vào mọi thời điểm. Phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi phía Triều Tiên tuyên bố sẽ mở lại kênh đối thoại tại khu vực an ninh chung Panmunjom.
Trước đó, Hàn Quốc đã đề nghị tổ chức đối thoại liên Triều cấp cao vào ngày 9/1 tới để thảo luận việc Triều Tiên cử đoàn tham dự Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sẽ diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới.
Trong khi đó, AFP đưa tin đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley, ngày 2/1 đã bác bỏ triển vọng đàm phán "tạm thời" giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng Washington sẽ không bao giờ chấp nhận một Bình Nhưỡng được trang bị hạt nhân. Trả lời phỏng vấn về việc Seoul đề xuất tổ chức đàm phán cấp cao với Bình Nhưỡng, đại sứ Nikki Haley khẳng định: "Chúng tôi (Mỹ) sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán thực sự nào nếu họ không làm điều gì để cấm tất cả vũ khí hạt nhân ở Triều Tiên”.
Bà Haley nêu rõ: "Chúng tôi coi Triều Tiên là một chính quyền rất liều lĩnh và chúng tôi không nghĩ rằng cần phải có một 'giải pháp tạm thời”. Đại sứ Mỹ nhấn mạnh yêu cầu Triều Tiên phải dừng ngay chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Trong diễn biến khác, Yonhap dẫn lời ông Thae Yong-ho, cựu quan chức ngoại giao Triều Tiên đã đào tẩu sang Hàn Quốc, ngày 3/1 nhận định rằng bằng cách phát đi thông điệp chào mừng năm mới hôm 1/1 vừa qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang tìm cách làm suy yếu sự phối hợp giữa Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nước này. Theo ông Thae, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như đang tìm cách lợi dụng việc nước này có khả năng tham gia Thế vận hội mùa đông PyeongChang 2018 sắp diễn ra ở Hàn Quốc như một công cụ để thực hiện mục tiêu trên.
Trả lời phỏng vấn Yonhap, ông Thae nhấn mạnh: "Ông Kim dường như có ý định làm lung lay "bộ ba" Hàn Quốc, Mỹ và Trung Quốc - các thành viên chủ chốt trong nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, nhằm giảm sự phối hợp của các nước này trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng". Ông nhận định rằng phát biểu của ông Kim hôm 1/1 có thể được tóm tắt trong ba điểm gồm: mở rộng đàm phán với Hàn Quốc, đưa ra đe dọa hạt nhân chống Mỹ và chấp nhận đề nghị "đóng băng kép" của Trung Quốc.
Ông Thae giải thích lời kêu gọi của ông Kim về những nỗ lực xoa dịu căng thẳng của cả hai miền Triều Tiên như một thông điệp nhắm vào Trung Quốc. Ông nói rằng: "Lần đầu tiên, Triều Tiên thừa nhận nước này cũng có trách nhiệm về tình trạng gia tăng căng thẳng trên bán đảo này. Có thể thấy rằng Triều Tiên đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc về việc "đóng băng kép" các vụ thử hạt nhân và tên lửa của nước này, cũng như các cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington”.
Ông Thae Yong-ho kết luận trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc, ông Kim rõ ràng đang tìm cách tạo "rạn nứt" giữa ba quốc gia về nỗ lực thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên. Ông cũng đề cập khả năng Triều Tiên sẽ yêu cầu Trung Quốc sắp xếp các cuộc đàm phán với Mỹ vì Triều Tiên có thể khẳng định rằng nước này đã chấp nhận đề nghị của Trung Quốc.
Trước đó, trong thông điệp chào mừng năm mới 2018 hôm 1/1, nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố "để ngỏ cánh cửa đối thoại" với Hàn Quốc và thông báo sẽ cử các vận động viên của nước này tham gia tranh tài tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018, dự kiến diễn ra tại Hàn Quốc từ ngày 9-25/2 tới. Điều này thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong thái độ của Triều Tiên sau khi nước này thử hạt nhân và tên lửa thời gian gần đây.
H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)