* Iran: An ninh và hòa bình của đất nước phụ thuộc vào người dân
Theo phóng viên TTXVN tại New York, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley ngày 2/1 đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành phiên họp khẩn cấp để bàn về tình hình Iran.
Phát biểu trước báo giới tại Liên Hợp Quốc, bà Haley nói rằng các cuộc biểu tình tại Iran diễn ra gần như đồng thời và nhấn mạnh Mỹ muốn giúp cho tiếng nói của những người dân Iran lan tỏa hơn nữa. Bên cạnh đó, đại sứ Mỹ cũng phản bác quan điểm cho rằng các cuộc biểu tình ở Iran là do bên ngoài "đạo diễn".
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ lấy làm tiếc về tình trạng gia tăng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Iran, đồng thời kêu gọi nước Cộng hòa Hồi giáo này tôn trọng quyền của những người biểu tình hòa bình.
Phát biểu thay mặt Tổng Thư ký tại cuộc họp báo thường nhật vào buổi trưa ở trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Aziz Haq nêu rõ: "Chúng tôi hy vọng rằng quyền được biểu tình một cách hòa bình và bày tỏ chính kiến của người Iran sẽ được tôn trọng".
Các cuộc biểu tình ở Iran bắt đầu nổ ra ở Mashhad - thành phố lớn thứ 2 của nước này hôm 30/12 vừa qua trước khi lan rộng ra các thành phố khác. Một trong những yêu sách của những người biểu tình là cải thiện điều kiện sống của người dân. Tính đến nay, tổng số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đã lên đến 21 người.
Cảnh sát đã bắt giữ hơn 450 người biểu tình tại thủ đô Tehran trong vòng 3 ngày qua. Trong một bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia, Đại giáo chủ Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng các kẻ thù của quốc gia này đã can thiệp vào các cuộc biểu tình, nhấn mạnh các kẻ thù luôn tìm kiếm cơ hội cũng như bất kỳ kẽ hở nào để xâm nhập và tấn công Iran, bằng cách sử dụng nhiều phương tiện khác nhau như chính trị, vũ khí, vật chất để "tạo ra những rắc rối cho hệ thống Hồi giáo".
Ông không nêu rõ quốc gia nào, nhưng nói rằng sẽ giải thích kỹ hơn trong tương lai gần. Ngay trước đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran, ông Ali Shamkhani cáo buộc Mỹ, Anh và Ả-rập Xê-út là 3 nước đừng đằng sau các vụ bạo loạn trên.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh an ninh và ổn định của nước Cộng hào Hồi giáo Iran phụ thuộc vào chính người dân của nước này, đồng thời tuyên bố "những kẻ xâm nhập" sẽ không được phép xâm phạm các quyền của người dân Iran.
Viết trên tài khoản Twitter chính thức, ông Zarif nói: "An ninh và ổn định của Iran phụ thuộc vào người dân Iran, những người có quyền bỏ phiếu và phản đối.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố rằng người dân Iran sẽ bảo vệ các "quyền khó kiếm được" của mình đồng thời sẽ không bao giờ cho phép những kẻ từ bên ngoài làm hỏng những quyền đó thông qua bạo lực.
Tuyên bố của ông Zarif được đưa ra sau khi Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi cùng ngày lên tiếng chỉ trích những phát biểu được đăng tải trên tài khoản Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump về các cuộc biểu tình gây bạo loạn ở một số thành phố của Iran, đồng thời hối thúc ông chủ Nhà Trắng tránh can thiệp vào các vấn đề nội của Iran. Ông Qassemi nêu rõ: "Quan điểm hoàn toàn sai lệch và ngược đời của ông Trump chống lại người dân Iran không phải là vấn đề mới".
Sự chia rẽ của quốc tế vì các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Iran đã được phản ánh rõ ràng vào ngày 2/1, khi các đồng minh của Iran đưa ra những tuyên bố khẳng định sự rối loạn này là vấn đề nội bộ, trong khi Liên minh châu Âu (EU) cũng kêu gọi Iran kiềm chế và tránh đổ máu thêm.
Phản ứng của EU đã tương phản mạnh mẽ nhất đối với sự biểu lộ ủng hộ thái quá của các chính trị gia Mỹ, dẫn đầu là Tổng thống Donald Trump. Người phát ngôn của Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini cho biết: "Chúng tôi đã liên lạc với nhà chức trách Iran, và chúng tôi hy vọng quyền biểu tình hòa bình và tự do ngôn luận sẽ được bảo đảm. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến". Tuy nhiên, người phát ngôn này không nói cụ thể cách thức EU sẽ phản ứng thế nào nếu các kỳ vọng của khối này không được đáp ứng.
Cũng trong ngày 2/1, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron để yêu cầu hành động đối với một tổ chức đối lập "khủng bố" của Iran bị ông Rouhani cáo buộc kích động những cuộc biểu tình gần đây ở nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Theo một bản tin trên truyền hình nhà nước Iran, ông Rouhani khẳng định: "Chúng tôi chỉ trích thực thế rằng một tổ chức khủng bố có cơ sở ở Pháp và hành động chống lại người dân Iran..., và chúng tôi muốn Chính phủ Pháp hành động đối với nhóm khủng bổ này", ám chỉ một tổ chức đối lập bị Iran trục xuất, có cơ cở tại Paris và gọi là Mujahideen e-Khalk.
Về phần mình, Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ra tuyên bố cho biết ông Macron đã hối thúc ông Rouhani kiềm chế và thỏa thuận với những người biểu tình. Tuyên bố cho biết Tổng thống Pháp bày tỏ quan ngại với ông Rouhani về số lượng thương vong trong các cuộc biểu tình đã kéo dài sáu ngày qua ở Iran, đồng thời nói với người đồng cấp Iran rằng tự do ngôn luận và biểu tình phải được tôn trọng.
Văn phòng Tổng thống Pháp cũng cho hay chuyến thăm dự kiến tới Tehran của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi tuần trước cũng đã bị hoãn tới một ngày trong tương lai.
L.H (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)