Thứ Tư, 02/10/2024 07:30 SA
Lá phiếu 10 thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nặng ký cỡ nào?
Chủ Nhật, 07/10/2007 15:58 CH

Việc Việt Nam gần như nắm chắc khả năng trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) - như những cam kết từ cộng đồng quốc tế mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận được khi đến New York dự kỳ họp lần thứ 62 Đại hội đồng LHQ (25 đến 28/9/2007) - đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.

071007--bo-phieu.jpg

Một phiên họp bỏ phiếu trong UNSC.

Nhân đó, một lần nữa, thử xem lại cấu trúc UNSC, về vai trò và quyền hạn của bộ phận được xem là quyền lực nhất của tổ chức lớn nhất thế giới này, đặc biệt sức nặng của lá phiếu từ các thành viên không thường trực.

Yếu tố vị thế quốc gia

Xét ở tính công bằng trong cơ chế bỏ phiếu (cho một nghị quyết), UNSC hoạt động hoàn hảo. Theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ), UNSC có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Chương VII Hiến chương LHQ nêu rõ UNSC là cơ quan duy nhất trong LHQ có thể phán quyết một hành động nhằm củng cố hòa bình và an ninh thế giới. Hành động này có thể là cấm vận kinh tế hay biện pháp quân sự.

UNSC có 15 thành viên trong đó có năm thành viên thường trực (P-5; với Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) và 10 thành viên không thường trực (E-10) được Đại hội đồng bầu làm việc trong nhiệm kỳ hai năm. Một phiếu chống trong bất kỳ thành viên P-5 nào (phiếu phủ quyết) cũng ngăn sự ra đời một nghị quyết, ngay cả khi tất cả thành viên E-10 ủng hộ. Với cơ chế trên, nếu các thành viên không bị ảnh hưởng và có tiếng nói độc lập, nghị quyết UNSC là cơ sở đáng tin và có giá trị.

Có lẽ không ví dụ cụ thể nào miêu tả vai trò UNSC cũng như yếu tố cân bằng quyền lực của nhóm E-10 bằng cách nhìn lại vài chi tiết hậu trường vào thời điểm trước khi Mỹ đánh Iraq (2003), trong nỗ lực tìm kiếm một sự đồng thuận nhất định của Washington (với E-10 lúc đó là Angola, Bulgaria, Cameroon, Chile, Guinea, Đức, Mexico, Pakistan, Syria và Tây Ban Nha).

Thời điểm đó, một trong những thành viên chưa có ý kiến dứt khoát là Angola, một quốc gia nhỏ với dân số hơn 10 triệu ở Tây Nam châu Phi. Đầu tiên, Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney gọi điện Tổng thống Angola José Eduardo Dos Santos vào ngày 5/2/2003. Năm ngày sau, Dos Santos nhận điện của Tổng thống Pháp Jacques Chirac. Hai ngày sau, đến lượt Thủ tướng Bồ Đào Nha José Durao Barroso, theo “ủy quyền” Tổng thống Bush, kêu gọi Angola ủng hộ Mỹ (Angola là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha). Hạ tuần tháng 2, Dos Santos lại tiếp trợ lý ngoại trưởng Mỹ Walter Kansteiner, gần như cùng lúc với công sứ Anh Valerie Amos…

Tất cả chiến dịch vận động hậu trường đều nhằm tìm lời giải cho bài toán cộng-trừ đơn giản: Mỹ cần 9 trên 15 phiếu trong UNSC để được thông qua một nghị quyết thứ hai trừng phạt Iraq bằng biện pháp quân sự. Angola lúc đó nợ Mỹ khoảng 10 tỉ USD - số tiền khổng lồ ở một nước mà GDP/đầu người chỉ chừng 1.000 USD. Hai nước châu Phi nữa, Guinea và Cameroon, cũng nằm trong thế giằng co giữa Mỹ-chủ chiến và Pháp-chủ hòa, khi họ đều được vận động lá phiếu trong UNSC.

Trên bề mặt, Guinea có thể nghiêng về phe chủ hòa bởi họ từng là thuộc địa Pháp và có đến 80% dân số theo Hồi giáo. Tuy nhiên, Guinea lại túng tiền. Việc Anh hứa viện trợ 6,2 triệu USD đã khiến Guinea càng nan giải trong “chính kiến” về vấn đề Iraq. Quốc gia Tây Phi nhỏ (7 triệu dân) này không chỉ là một trong những nước nghèo nhất thế giới mà còn là nơi trú thân của thành phần tỵ nạn chính trị đến từ các quốc gia láng giềng LiberiaSierra Leone. Nỗi khó khăn về tình hình an ninh-chính trị của tướng Lansana Conte (giữ ghế tổng thống từ năm 1993) đã được Mỹ giúp giải quyết bằng chương trình huấn luyện quân sự và Anh cũng từng giúp khi gửi 300 lính sang Sierra Leone bình ổn làn sóng tỵ nạn kéo vào Guinea...

Tại châu Âu, với Bulgaria, Tổng thống Georgi Parvanov đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng không phận và cả căn cứ tiếp nhiên liệu cho chiến dịch tấn công Iraq. Quan hệ Sofia-Washington đã tiến lên nhiều nấc trên bậc thang ngoại giao lẫn quân sự (tháng 11/2002, Bulgaria được mời gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương-NATO). Cuộc gặp giữa Thủ tướng Bulgaria Simeon Saxe-Coburg và Tổng thống Bush tại Nhà trắng vào tháng 2/2003 cùng chuyến kinh lý tiếp đó của Bộ trưởng thương mại Mỹ Don Evans đến Sofia nhằm “củng cố quan hệ kinh tế song phương” có thể được xem là dấu hiệu “mua phiếu” thành công của Washington…

Tại Mỹ Latin, với Chile, năm 2002, nước này đã ký Hiệp định mậu dịch tự do với Mỹ. Mậu dịch song phương hai nước đạt 8,8 tỉ USD năm 2002. Cuối tháng 2/2003, đích thân Tổng thống Bush đã điện cho Tổng thống Chile Ricardo Lagos. Chile thật sự nằm dưới sức ép khá nặng. Nhật - một trong những đối tác làm ăn hàng đầu với Chile - cũng thuyết phục nước này ủng hộ Mỹ...

Thuật lại vài chi tiết trên để thấy rằng vai trò thành viên E-10 không phải không quan trọng và có thể giúp hiểu thêm tại sao khái niệm “vị thế quốc gia” (được nâng cao) luôn được đề cập khi nói đến tư cách thành viên E-10. Trở thành thành viên E-10, với quyền hạn sử dụng lá phiếu độc lập, hẳn nhiên phải mang lại một trọng lượng nhất định cho uy tín quốc gia, khi cùng tham gia giải quyết vấn đề thế giới; và điều đó càng thể hiện rõ trong các trường hợp “mặc cả chính trị” cho quyền lợi quốc gia.

071007--UNSC.jpg

Hoạt động hậu trường UNSC luôn là phần sống động của một bức tranh chính trị thế giới thu nhỏ.

UNSC trong “thế kỷ của châu Á”

Vị thế chính trị E-10 tiếp tục cho thấy tầm mức của nó, thể hiện ở cuộc chiến giành chiếc ghế E-10 giữa VenezuelaGuatemala vào năm 2006. Ngày 16/10/2006, Đại hội đồng đã bầu Bỉ, Indonesia, Ý và Nam Phi vào E-10 cho nhiệm kỳ bắt đầu từ 1/1/2007 nhưng chiếc ghế cho khu vực Mỹ Latin và Caribê vẫn chứng kiến sự giằng co quyết liệt giữa Venezuela và Guatemala. Đến ngày 26/10/2006, sau 41 vòng bỏ phiếu trong Đại hội đồng, 192 thành viên LHQ tiếp tục bất thuận trong việc chọn Venezuela hay Guatemala (quốc gia được Mỹ ủng hộ).

Đây là tiến trình bầu một thành viên E-10 khó khăn và “dai” nhất kể từ 1979, khi diễn ra cuộc chạy đua giữa Cuba và Colombia (kéo dài từ ngày 26/10/1979 đến 7/1/1980 sau hai tháng và 155 vòng bỏ phiếu, Mexico - ứng cử viên thứ ba - cuối cùng được chọn như một giải pháp tháo gỡ bế tắc). Trong trường hợp khu vực Mỹ Latin và Caribê nhiệm kỳ 2007-2008, giải pháp tương tự cũng được thực hiện, với Panama được chọn thay.

Trong thực tế, UNSC - dù bị sự kiện cuộc chiến Iraq 2003 làm tơi tả hình ảnh của mình - vẫn là chỗ tựa cho chính trị thế giới. Vài tháng sau cuộc chiến Iraq, trên chuyên san ngoại giao Foreign Policy, Madeleine Albright (ngoại trưởng Mỹ từ 1997-2001 và đại sứ Mỹ tại LHQ từ 1993-1996) từng viết rằng Pháp, Nga và Trung Quốc đã đúng khi dùng quyền phủ quyết với tư cách thành viên P-5 để chứng minh cho Nhà trắng thấy UNSC chưa bao giờ chết rằng theo thăm dò của Pew Global Attitudes Project, công dân Hoa Kỳ vẫn xem Tổng thư ký LHQ là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đáng kính trọng nhất.

Và nữa, Mỹ còn phải học nhiều từ LHQ, thí dụ, Hiến chương LHQ không nói gì về tầm quan trọng của chính phủ dân cử nhưng các sứ mạng LHQ đều nhằm mục tiêu hậu thuẫn sự chuyển giao dân chủ, giám sát bầu cử và khuyến khích các thể chế tự do; và cuối cùng, không thể quên rằng tất cả cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hầu hết công dân Hoa Kỳ đều tin rằng Washington nên tìm kiếm sự chuẩn thuận UNSC trước khi sử dụng vũ lực và (Washington) nên cùng hợp tác với các quốc gia khác thông qua LHQ... Cũng từ ý tưởng mở rộng của khái niệm cân bằng quyền lực, chuyên gia quan hệ quốc tế James F. Hoge Jr đã nhấn mạnh đến một sự dàn xếp tiếp theo của mô hình UNSC, khi thế giới chứng kiến xu hướng quyền lực bắt đầu chuyển từ Tây sang Đông.

Sự phát triển kinh tế của châu Á đã biến thành sức mạnh chính trị. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 9%/năm; Ấn Độ 8%/năm và nhiều nước khác cũng tăng tốc liên tục. Theo James F. Hoge, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến gấp đôi Đức vào năm 2010 và qua mặt Nhật (hiện đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ) vào năm 2020. Nếu Ấn Độ duy trì tỷ lệ tăng trưởng 6%/năm trong 50 năm, họ sẽ ngang ngửa hoặc hơn Trung Quốc.

Và như vậy, chẳng phải bất thường khi người ta đặt vấn đề, tại sao Anh - với 60 triệu dân - lại được hưởng quy chế thành viên thường trực UNSC trong khi Ấn Độ (hơn 1 tỉ dân số) lại không được, tại sao Nga với GDP chỉ bằng Bỉ lại có ngồi ghế thành viên thường trực trong khi Nhật - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - lại không được; tại sao không quốc gia châu Phi, Mỹ Latin và nước Hồi giáo nào được hưởng chế độ thành viên thường trực? Đó cũng là những câu hỏi đã và đang đặt ra trong lộ trình cải tổ UNSC…

Nên chăng vai trò của năm nước chiến thắng trong Thế chiến II cần được LHQ xem xét lại.

10 thành viên không thường trực (E-10) đương nhiệm

-Bỉ (Tây Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2008
-Ý (Tây Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2008
-Slovakia (Đông Âu) - hết nhiệm kỳ năm 2007
-Cộng hòa Congo (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2007
-Ghana (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2007
-Nam Phi (châu Phi) - hết nhiệm kỳ năm 2008
-Panama (Mỹ Latin và Caribê) - hết nhiệm kỳ năm 2008
-Peru (Mỹ Latin và Caribê) - hết nhiệm kỳ năm 2007
-Indonesia (châu Á) - hết nhiệm kỳ năm 2008
-Qatar (châu Á) - hết nhiệm kỳ năm 2007 (có khả năng được thay bằng Việt Nam)

E-10 làm việc với nhiệm kỳ hai năm (bắt đầu từ ngày 1/1 mỗi năm; mỗi năm có năm ghế thay đổi) và được bầu chọn theo nguyên tắc nhóm khu vực đề cử và được biểu quyết bởi Đại hội đồng (vào tháng 10 hàng năm) với tỷ lệ 2/3 phiếu (tức từ 125-128 thành viên LHQ). Nhóm châu Phi có ba đại diện; nhóm Mỹ Latin và Caribê, nhóm châu Á, nhóm Tây Âu có hai đại diện; nhóm Đông Âu có một đại diện (một đại diện cộng đồng Arab được chọn luân phiên từ nhóm châu Á hoặc châu Phi). Ghế chủ tịch UNSC được thay luân phiên mỗi tháng theo thứ tự ABC trong tiếng Anh.

Mỗi thành viên UNSC có một phiếu và các nghị quyết thông qua đều cần ít nhất chín phiếu (kể cả phiếu của P-5). Ngày 27/10/2006, nhóm châu Á thống nhất đề cử Việt Nam vào E-10 cho nhiệm kỳ hai năm 2008-2009. Ngày 16/10/2007, Đại hội đồng sẽ tiến hành bầu chọn năm thành viên không thường trực mới trong đó có ứng cử viên Việt Nam. Nếu chính thức có mặt trong nhóm E-10, đây sẽ là một cột mốc đáng nhớ nữa đối với Việt Nam sau 30 năm được kết nạp vào LHQ (20/9/1977).

Một số nước chưa bao giờ có ghế trong E-10: Afghanistan, Albania, Armenia, Azerbaijan, Brunei, Campuchia, Guatemala, Haiti, Israel, Lào, Kazakhstan, Luxembourg, Mông Cổ, Myanmar, Montenegro, Mozambique, Saudi Arabia, CHDCND Triều Tiên, Thụy Sĩ, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan…

Nguồn: un.org/sc/members.asp

Theo MẠNH KIM
Doanh nhân Sài gòn Cuối tuần

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek