Kết thúc cuộc họp các nước láng giềng của Libya với sự tham dự của ngoại trưởng ba nước Algeria, Tunisia và Ai Cập ngày 20/2 tại Tunis, Ngoại trưởng nước chủ nhà Khemaies Jhinaoui thông báo sẽ sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của tổng thống ba nước trên để ủng hộ giải pháp chính trị tổng thể tại Libya.
Tuy nhiên, ông Jhinaoui chưa cho biết thời điểm cụ thể tổ chức hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra tại Algiers nêu trên.
Tại cuộc họp lần này, hai ngoại trưởng Khemaies Jihnaoui của Tunisia và Sameh Choukri của Ai Cập cùng với Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Maghreb, Liên minh châu Phi (AU) và Liên đoàn Ả-rập (AL) của Algeria Abdelkader Messahel đã ký Tuyên bố Tunis ủng hộ giải pháp chính trị tại Libya và bác bỏ mọi sự can thiệp quân sự tại quốc gia Bắc Phi láng giềng này.
Theo tuyên bố trên, Tunisia, Algeria và Ai Cập cam kết tiếp tục những nỗ lực nhằm đạt được hòa giải tại Libya trong khuôn khổ đối thoại giữa các phe phái tại nước này dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, đồng thời tái khẳng định bác bỏ mọi giải pháp quân sự cũng như can thiệp vào công việc nội bộ của Libya. Ba bộ trưởng nhấn mạnh cần thiết phải đưa các bên đối địch tại Libya ngồi vào bàn đàm phán.
Cuộc họp tại Tunisia là cơ hội để đánh giá những nỗ lực của Algeria, Ai Cập và Tunisia trong việc thu hẹp quan điểm của các bên tại Libya nhằm nối lại đối thoại xử lý những bất đồng gây trở ngại đến việc thực hiện thỏa thuận chính trị ký năm 2015 tại Maroc và tạo thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa các bên tại Libya.
Tuyên bố Tunis cũng nhấn mạnh Algeria, Ai Cập và Tunisia cần nhanh chóng hành động nhằm giúp Libya thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay, mở ra những triển vọng mới cho giải pháp chính trị thông qua thương lượng giữa các bên tại Libya với sự hỗ trợ của 3 nước trên và sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Hiện Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị giữa các chính phủ đối địch bất chấp việc các bên đã ký thỏa thuận hòa bình dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc hồi tháng 12/2015. Theo thỏa thuận này, Chính phủ đoàn kết dân tộc (GNA) do Hội đồng Tổng thống lãnh đạo đã được thành lập và bắt đầu hoạt động ở Tripoli từ ngày 30/3/2016.
Mặc dù vậy, cho đến nay GNA vẫn đang phải nỗ lực xác lập quyền lãnh đạo trên cả nước trong bối cảnh quốc hội do dân bầu hiện đang đóng tại Tobruk, miền đông Libya, vẫn từ chối ủng hộ tiến trình này trong khi chính quyền ở Tripoli lại không muốn từ bỏ quyền lực.
Theo TTXVN/Vietnam+